CPI trên địa bàn tỉnh tháng 5 chỉ tăng 0,01 điểm phần trăm

(NTO) Đúng như dự báo, trong tháng 5-2017, hàng hóa tiêu dùng cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã nhưng giá cả không mấy biến động, hầu hết các mặt hàng giá cả khá ổn định, một số mặt hàng có chiều hướng giảm giá có lợi cho người tiêu dùng… Theo số liệu của Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 trên địa bàn tỉnh chỉ tăng rất thấp, bằng 0,01% so với tháng trước (khu vực thành thị giảm 0,03%, khu vực nông thôn tăng 0,04%). Như vậy, nếu so với tháng 12 năm trước tăng 1,1 điểm % và bình quân 5 tháng đầu năm 2017 chỉ số tăng này là 4,77% so với cùng kỳ năm trước.

Người dân địa phương mua sắm hàng hóa tiêu dùng trong tháng 5- 2017. Ảnh: Sơn Ngọc

Qua phân tích một số nhóm mặt hàng chính tháng 5-2017 so tháng trước cho thấy: Đầu tiên đối với nhóm mặt hàng giảm gồm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,06%, lương thực giảm 0,05%, mặt hàng thực phẩm giảm 0,09%, nguyên nhân do thời tiết thuận lợi, nguồn cung dồi dào nên giá nhiều mặt hàng giảm, thực phẩm như thịt lợn giảm 3,36%; giá thịt bò giảm 0,68%; thịt gia cầm tươi sống giảm 1,08%, thịt vịt các loại giảm 2,71% do số lượng xuất chuồng nhiều; trứng các loại giảm 1,76% do nguồn cung dồi dào; đồ gia vị giảm 0,26%, giao thông giảm 0,34% do nhóm nhiên liệu giảm 0,69% chủ yếu giá xăng, dầu điều chỉnh giảm, phương tiện đi lại giảm 0,1% chủ yếu mặt hàng xe đạp giảm 1,88% nhằm đẩy mạnh mặt háng bán ra… góp phần làm cho chỉ số nhóm này giảm so với tháng trước.

Về nhóm mặt hàng tăng gồm, giá thủy sản tươi sống tăng 0,17%, chủ yếu tăng ở những mặt hàng như tôm rảo, mực tươi và một số loại hải sản biển… do nhu cầu tiêu dùng cao; quả tươi, chế biến tăng 1,02%; trong đó: Giá quả có múi tăng 2,91% chủ yếu giá cam, quýt tăng do trái vụ; quả tươi khác tăng 1,59% như nho, táo, nhãn… do sản lượng ít; rau tươi, khô và chế biến tăng 2,45% do nhu cầu tiêu dùng nhiều trong tháng; đồ uống và thuốc lá tăng 0,2% so với tháng trước chủ yếu mặt hàng nước quả ép và bia chai Sài Gòn tăng do nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng này tăng. May mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,2%, do thời tiết chuyển sang mùa hè nên nhu cầu tiêu dùng của người dân về một số mặt hàng tăng như: quần áo trẻ em tăng 0,8%, quần áo may sẵn tăng 0,26%; các dịch dụ may mặc tăng 0,56%, dịch vụ giày dép tăng 2,57%; nhà ở, điện nước chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,65%, do giá các loại vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,35% chủ yếu là giá các loại gạch, ngói xây dựng tăng 0,91%; giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 4,16% do nhu cầu xây dựng trong tháng tăng; chỉ số giá điện tăng 2,76%; nước sinh hoạt tăng 1,20%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,40%, tăng chủ yếu ở các mặt hàng đồ dùng gia đình do nhu cầu tăng vào hè, đồ điện tăng 0,08%; giường tủ bàn ghế tăng 0,65%; các vật phẩm tiêu dùng khác cho gia đình tăng 2,58%; văn hóa giải trí và du lịch tăng 0,10% chủ yếu tăng ở nhóm hàng hoa, cây cảnh, vật cảnh tăng 6,03% do nhu cầu tăng vào dịp đại Lễ Phật Đản; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,32% do nhu cầu cao; giá các loại đồ trang sức tăng 1,23%, tăng theo giá vàng… cũng góp phần làm cho chỉ số nhóm này tăng so với tháng trước.

Chỉ số giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Bình quân giá vàng tháng 5-2017 tăng 1,03% so với tháng trước; tăng 3,21% so cùng kỳ năm trước và tăng 4,33% so tháng 12 năm trước; Giá đô la trong tháng giảm 0,09% so với tháng trước và tăng 2,10% so với cùng kỳ năm trước; giá đô la Mỹ hiện ở mức 22.710 đồng/USD…