Hội nghị hợp tác song phương về quản lý tần số và phối hợp tần số vùng biên giữa Việt Nam và Lào

(NTO) Ngày 24-5, tại Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam phối hợp với Bộ Bưu chính Viễn thông Lào tổ chức hội nghị hợp tác song phương về quản lý tần số và phối hợp tần số vùng biên giữa Việt Nam và Lào. Đến dự có đồng chí Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Việt Nam và ông Xayluxa INSISIENGMAY, Cục trưởng Cục Viễn thông Lào đồng chủ trì hội nghị.

Đồng chí Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Đại biểu phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao tầm quan trọng của cuộc họp hợp tác song phương lần thứ 7 về quản lý tần số và phối hợp tần số lần thứ 8 là một sự kiện quan trọng trong quan hệ hợp tác song phương giữa Lào và Việt Nam. Sự hợp tác song phương này sẽ đảm bảo tính hài hòa trong việc quy hoạch sử dụng tần số giữa các nước khi xảy ra vấn đề hoặc can nhiễu tần số, các nước có quan hệ hợp tác với nhau sẽ dễ dàng phối hợp xử lý giải quyết. Việc phối hợp để xây dựng quy định của các nước trong khu vực và trên thế giới, đào tạo nhân lực cho cơ quan quản lý tần số các nước sẽ thuận lợi và đạt hiệu quả cao hơn.

Đồng chí Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu dự hội nghị.

Hội nghị diễn ra từ ngày 24 đến 26-5, các đại biểu tham dự trao đổi nhiều vấn đề về hợp tác song phương về quản lý tần số, như: Băng tần cho các hệ thống băng rộng; chuyển đổi từ truyền hình tương tự sang truyền hình số; trao đổi quan điểm về các chương trình nghị sự của Hội nghị Thông tin vô tuyến thế giới năm 2019 (WRC-19); trao đổi thông tin, kinh nghiệm kiểm soát tần số, xử lý can nhiễu ở khu vực biên giới có cùng vùng phủ sóng. Liên quan tới vấn đề can nhiễu vệ tinh: Vệ tinh VINASAT-1, VINASAT-2 của Việt Nam và vệ tinh Laosat của Lào hoạt động ở khoảng cách gần và có cùng vùng phủ. Tại hội nghị này, hai bên sẽ trao đổi và tiến tới thống nhất phương án phối hợp xử lý nhiễu vệ tinh lân cận. Ngoài ra, Việt Nam sẽ đề xuất hai bên có thể triển khai trạm mặt đất ở băng tần 14.5-14.8 GHz theo kết quả của Hội nghị Thông tin vô tuyến thế giới WRC-15. Về vấn đề phối hợp sử dụng các kênh tần số di động tại khu vực vùng biên, tại các cuộc họp trước, hai bên đã hoàn thành phối hợp cho các mạng di động GSM 900, GSM 1800 và UMTS/FDD 2100 MHz. Tuy vậy, tháng 3-2017, các doanh nghiệp di động Việt Nam đã tiến hành kiểm soát việc sử dụng tần số di động tại khu vực vùng biên giới Việt Nam- Lào và cho thấy có một số kênh tần số của Lào phát vượt mức giới hạn cường độ trường đã thỏa thuận. Vấn đề này sẽ được hai bên trao đổi, thảo luận tại cuộc họp để tìm biện pháp giải quyết, làm cơ sở cho các doanh nghiệp của 2 nước phối hợp điều chỉnh.