Khi đàn ông “đảm việc nhà”

(NTO) Cứ như chuyện ngược đời, đàn ông "đảm việc nhà", có lẽ mấy tay đó thuộc dạng "chuyển giới". Mấy vị thuộc tuýp đàn ông xem việc nhà là việc nhỏ chỉ dành cho phụ nữ, nghe chuyện lên tiếng phản bác. Nhưng ở đời, sự thật bao giờ cũng là chân lý!

Chuyện thầy giáo có biệt danh “Ơ rê ka” (tìm ra rồi) bỗng dưng nổi như cồn, đang là đề tài nóng của ban nữ công trường phổ thông trung học chuyên của tỉnh. Chẳng là, trước đây thầy thường tự hào có bà xã giỏi giang lo hết việc nhà nay tự tin thông báo mình đảm hơn vợ là cái chắc. Nguyên nhân bắt đầu từ lần thầy bị đột quỵ lúc đang dạy phải chuyển cấp cứu tại bệnh viện. Nhờ kịp thời nên không để lại di chứng gì nhưng sau đó thì thầy cảm thấy sức khỏe không được tốt, sự minh mẫn của trí óc cũng suy giảm theo. Bác sĩ khuyên cần thường xuyên chăm chỉ thể dục, thể thao rèn luyện tăng cường sức khỏe, nhưng khổ nỗi thầy chỉ biết mỗi môn đi bộ vào sáng sớm. Nhớ lại, có lần nhìn vợ lau nhà mồ hôi ướt áo, thầy reo khẽ “việc nhà” sao mình lại không làm nhỉ? Nghĩ là làm, ngày đầu quét, lau nhà, chùi bàn ghế xong mời vợ kiểm tra, bà xã chỉ tay cười: Anh có thấy mớ sợi tóc trốn ở góc bàn không, sàn nhà loang lổ...làm mà như chưa! Rồi chị nhắc khéo: Mọi việc dù nhỏ nhất cũng phải có kế hoạch thời gian, cần suy nghĩ bắt đầu từ đâu, làm như thế nào cho hiệu quả. Với sự tư vấn của bà xã, thầy tự xây dựng thời gian biểu, "phác đồ" việc chung, riêng phải làm hằng ngày. Việc nhà cứ tưởng là ít nhưng làm rồi mới thấy sao nhiều thế. Nào lau chùi bàn ghế, cửa chính, cửa sổ, quét dọn trong ngoài nhà, lau sàn nhà sao cho bóng loáng, sạch bong….những việc không tên làm hoài không hết. Kể từ ngày thầy siêng năng việc nhà kết hợp với đi bộ buổi sáng sớm cùng chế độ ăn uống, sức khỏe trở lại bình thường, đặc biệt trí óc minh mẫn hơn, việc giảng dạy nhờ vậy kết quả tốt hơn. Ngẫm mới hay, việc nhà hóa ra lại là bài thuốc vận động toàn thân tốt cho sức khỏe mà không phải ai cũng biết.

Không biết có phải hiệu ứng lan tỏa từ thầy giáo "đảm việc nhà" hay không mà cơ quan tôi có cậu công chức tuổi trẻ, siêng năng việc nhà được mọi người gọi là chuyên gia ẩm thực, nghệ nhân cây cảnh tại gia. Anh chia sẻ: Thứ bảy, chủ nhật gia đình thường tổ chức dã ngoại, ăn uống ở nhà hàng nên khoản nấu ăn bà xã có phần xem nhẹ. Ví như bữa trưa canh chua thì chiều chua canh, hôm nay bò kho mai kho bò…Bản thân vốn thương vợ dù nuốt khó vô cũng ráng, lại phải khen ngon nữa, mà ngon thì vợ nấu tiếp để chồng ăn. Thành thử nhiều lúc làm việc bụng đói cồn cào. Thôi thì muốn ăn ngon phải tự "lăn" vào bếp. Cậu tìm tài liệu nghiên cứu về nấu ăn, ban đầu giúp vợ chế biến, nấu thử mời vợ chấm điểm, cô ấy khen “anh khéo thế”, mừng lắm. Có lẽ, trong cậu tiềm ẩn khiếu bẩm sinh về nấu ăn nên các món cậu nấu đều đạt màu sắc đẹp, mùi thơm hấp dẫn và khi ăn để lại hương vị đặc biệt khó quên. Đam mê nấu ăn, anh ngẫu nhiên trở thành đầu bếp chính của gia đình. Cô vợ từ chỗ chỉ nấu các món ăn đơn giản nay là trợ thủ đắc lực của chồng, món ăn cô nấu được cậu chấm “number one” (số 1). Không chỉ giỏi nấu ăn, cậu còn chăm sóc, tạo dáng cây cảnh làm cho khuôn viên nhà đẹp tựa công viên và trồng các loại rau theo mô hình hữu cơ sử dụng cho gia đình. Có dịp tham quan cơ ngơi gia đình họ, thưởng thức bữa ăn gia chủ thiết đãi, mọi người nói vui, cô chú mà mở quán ăn uống chắc hốt bạc. Anh cười hiền lành, nghề công chức thời hiện đại áp lực ghê gớm lắm, việc nấu ăn, làm vườn giúp mình giải tỏa stress, có sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ công tác và giúp được bà xã bớt gánh nặng việc nhà. Thì ra là vậy, việc gia đình không chỉ là sự đam mê mà còn là niềm vui giúp cậu có sức khỏe công tác cơ quan tốt hơn.

Hai người đàn ông đảm việc nhà với hoàn cảnh, lý do khác nhau nhưng nhờ vậy mà tổ ấm của họ luôn ngập tràn niềm vui, hạnh phúc. Có điều khi tham gia việc nhà họ mới thấu hiểu những việc không tên, tốn công sức và chẳng dễ dàng mà lâu nay phụ nữ phải gánh chịu. Mấy vị đàn ông xem việc nhà là nhỏ nên tham gia giúp vợ và biết đâu khi thông hiểu họ còn “đảm” hơn phụ nữ.