Làng Chăm Lương Tri đón Ramưwan trong niềm vui được mùa mía

(NTO) Toàn thôn Lương Tri (xã Nhơn Sơn, Ninh Sơn) hiện có 784 hộ (3.237 nhân khẩu) đồng bào dân tộc Chăm, sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp. Ngoài diện tích khoảng 65ha ruộng lúa ba vụ chủ động nước tưới từ hệ thống thủy lợi Nha Trinh, Lương Tri còn phát triển chăn nuôi, với tổng đàn hơn 3.000 con gia súc, chủ yếu là cừu.

Trong canh tác lúa, đặc biệt Lương Tri còn có cánh đồng Chà Vum hơn 250 ha trồng lúa 1 vụ, vì không chủ động được nguồn nước tưới nên có hộ bỏ hoang. Khắc phục tình trạng lãng phí này, vụ mía năm 2016-2017, Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa-Phan Rang đã hợp đồng liên kết với nông dân hơn 10 ha làm cánh đồng lớn phát triển trồng mía trong 3 năm. Theo đó, các hộ dân góp đất, công ty tự sản xuất và sử dụng lao động của các hộ góp đất, đồng thời, hợp đồng với bà con cung ứng vật tư và bao tiêu đầu ra cho cây mía trên địa bàn thôn. Đến nay, diện tích trồng mía ở đây đã tăng lên hơn 50ha. Hiện nay xã đang hướng đến liên kết với công ty phát triển vùng chuyên trồng mía trong thời gian tới, nâng diện tích lên khoảng 150ha. Ông Nguyễn Thanh Tú, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Sơn, cho biết: Có nguồn thu nhập cao từ vụ mía đầu tiên, bà con phấn khởi vui mừng đón Ramưwan sắp đến.

Nông dân thôn Lương Tri thu hoạch mía đường niên vụ 2016-2017.

Về làng Chăm Lương Tri hôm nay, có thể nhận ra những ruộng đất ở cánh đồng Chà Vum khô cằn không sản xuất ngày nào đã được thay thế bằng những ruộng mía xanh tốt. Ông Câu Văn Chát, một nông hộ trồng mía ở đây cho biết: Gia đình tôi có gần 2ha đất ở cánh đồng Chà Vum, không chủ động được nguồn nước, thay vì để đất trống, tôi hợp đồng liên kết với công ty làm trong 3 năm, với mức 5 triệu đồng/ha/năm. Theo thỏa thuận, nếu sản lượng mía đạt từ 50 tấn/ha trở lên, số sản lượng tăng đó được công ty chia đều cho chủ hộ đã góp đất. Vừa rồi, do sản lượng mía đạt rất cao, nên mỗi hộ được công ty trả tăng lên 9 triệu đồng/ha. Ngoài việc để đất cho công ty trồng mía, tôi còn được tạo việc làm trên mảnh đất của mình, vào mùa thu hoạch tôi chặt mía được trả công gần 200 ngàn đồng/ngày, có thêm thu nhập. Ramưwan năm nay, gia đình được đầy đủ hơn vì tôi còn trồng gần 3 sào lúa, chăn nuôi hơn 20 con cừu…

Trước đây, người dân thôn Lương Tri chỉ quen với việc trồng cây ngắn ngày, nhưng từ khi công ty liên kết làm cánh đồng lớn phát triển trồng mía tại đây, mọi người mạnh dạn hơn trong việc chuyển đổi cây trồng. Ông Thập Văn Đăng đang thu dọn những ngọn mía trên ruộng để phát triển vụ mía tiếp theo, cho biết: Với giá mía được công ty thu mua ổn định, có nguồn đầu tư ứng trước trong quá trình trồng, nên tôi rất yên tâm sản xuất. Thay vì trồng lúa 1 vụ/năm, năng suất lại thấp, gia đình tôi chuyển diện tích đất 1ha sang trồng mía, năng suất đạt 100 tấn/ha, gần 10 chữ đường... năm đầu tiên trồng mía nên đầu tư hơi cao, trừ chi phí, tôi thu về gần 40 triệu đồng/ha. Chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng mía, gia đình tôi có nguồn thu nhập cao hơn nhiều, có tiền mua sắm đồ dùng trong nhà đón mùa Ramưwan sắp đến. Song song với việc thu hoạch mía, vụ lúa đông-xuân năm nay, bà con đã bước vào mùa gặt, với năng suất đạt từ 6-8 tạ/sào, nên ai nấy đều phấn khởi.

Sư cả Đạo Văn Bùi, trụ trì chùa Bàni, thôn Lương Tri, cho biết: Năm nay, thời tiết không được thuận lợi, sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn, Tuy nhiên, từ khi công ty phát triển trồng mía ở cánh đồng Chà Vum, lao động nhàn rỗi tại địa phương có thêm việc làm. Có mùa mía “ngọt” nhờ chuyển đổi cây trồng, bà con đón Ramưwan sung túc, rộn ràng hơn với tinh thần vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm và đoàn kết.