VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN:

Bảo đảm an toàn thực phẩm phải làm từ “gốc”!

(NTO) Vừa qua, cùng với cả nước tỉnh ta đã phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) với chủ đề “Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu”, diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5. Có thể nói, đây là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm đẩy mạnh các hoạt động vì chất lượng ATTP và chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm… ngoài các hoạt động thường xuyên bảo đảm chất lượng vệ sinh ATTP, đồng thời gắn trách nhiệm của chính quyền các cấp để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác ATTP; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa chính quyền ở địa phương và các đoàn thể chính trị xã hội trong bảo đảm ATTP; phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm chất lượng ATTP. Qua Tháng hành động, cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng liên quan trên địa bàn tỉnh đã vào cuộc với những hành động quyết liệt, góp phần tạo chuyển biến về nhận thức đối với vệ sinh ATTP cả người sản xuất và tiêu dùng…Tuy nhiên, kết quả chưa được như mong muốn.

Các cơ quan chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn Tp. Phan Rang- Tháp Chàm. Ảnh: Uyên Thu

Thực tế hiện nay, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, vệ sinh…vẫn hiện hữu phổ biến nhiều chợ dân sinh, thật giả lẫn lộn làm “rối trí” các bà nội trợ khi có nhu cầu mua sắm cho bữa cơm gia đình. Theo lãnh đạo ngành Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, ngành đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra trên 1.960 cơ sở, phát hiện gần 300 cơ sở vi phạm. Ngoài ra, các ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương cũng đã tổ chức nhiều cuộc thanh tra chuyên ngành, phát hiện nhiều trường hợp vi phạm, qua đó đã tiến hành xử phạt, nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời…Tuy nhiên, đây cũng chỉ mới làm ở phần “ngọn”, thiếu vững chắc mà cơ bản vẫn là giải quyết căn cơ từ phần “gốc”, hay nói khác hơn là chính từ người sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm. Đây là khâu đầu tiên, thiết yếu và quan trọng nhất trong “chuỗi” cung cấp thực phẩm từ sản xuất đến “bàn ăn”. Theo báo cáo mới đây của đoàn kiểm tra trung ương về vấn đề này cũng cho thấy, các yếu tố tác động, ảnh hưởng đến ATTP như tình hình sử dụng chất cấm, lạm dụng hóa chất, kháng sinh, chất bảo quản, sử dụng phụ gia trong chế biến ngày càng phức tạp. Điều kiện vệ sinh ATTP trong các khâu sản xuất ban đầu như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đến khâu bảo quản, sơ chế, giết mổ chưa đáp ứng quy định vệ sinh ATTP. Phần lớn thực phẩm tươi sống chưa có nhãn mác, dấu hiệu nhận diện và thông tin về nguồn gốc xuất xứ... Những bất cập, hạn chế đó đã gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng, trực tiếp đến sức khỏe người dân.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để có thể giải quyết “vấn nạn” về ATTP?.

Theo chúng tôi, để có thực phẩm đến tay người tiêu dùng đạt chỉ số an toàn cao, việc làm đầu tiên là cần phổ biến kiến thức khoa học trong trồng trọt, chăn nuôi, giúp nông dân áp dụng công nghệ sinh học trong sản xuất, nuôi trồng để có thực phẩm an toàn. Đồng thời, cơ quan chuyên môn, các địa phương tích cực kiểm tra, giám sát lĩnh vực này, mặt khác cần cụ thể hóa các chế tài, xử phạt thật nghiêm cá nhân, tổ chức vi phạm quy định trong sản xuất, để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Đầu tư trang thiết bị, máy móc đủ năng lực kiểm định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất đạt tiêu chuẩn ngay tại địa phương. Xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm sạch, an toàn từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng đối với các mặt hàng thực phẩm chủ lực, thiết yếu như rau, củ, quả, thịt gia súc, gia cầm…cũng như xây dựng hệ thống các cửa hàng cung ứng các sản phẩm nêu trên, giúp người tiêu dùng phân biệt với các loại thực phẩm cùng loại khác bán tại chợ truyền thống, thực phẩm phải có bao bì, đóng gói để truy xuất nguồn gốc, giá bán được niêm yết công khai, phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng...

Suy cho cùng, như lời kêu gọi của đồng chí Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại lễ phát động Tháng hành động vì ATTP đó là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm cần thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp của mình đối với sức khỏe của cộng đồng. Hãy hành động tích cực để sản phẩm do mình sản xuất, kinh doanh đảm bảo ATTP và người tiêu dùng phải là người tiêu dùng thông thái trong lựa chọn sản phẩm sạch.