Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về môi trường trên địa bàn tỉnh

(NTO) Thực hiện chương trình công tác năm 2017, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường. Qua giám sát cho thấy, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh ngày càng được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm.

Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, đã tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện, làm cơ sở bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường được triển khai thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, đạt được nhiều kết quả, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cá nhân, hộ gia đình. Qua đó, nhiều mô hình, cách làm hay về bảo vệ môi trường đang phát huy hiệu quả. Việc tổ chức thanh tra, kiểm tra bảo vệ môi trường được thực hiện theo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra, dần dần đi vào nề nếp. Qua thanh tra, kiểm tra đã kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường.

Nhìn chung, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã rà soát, nắm chắc tình hình, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về môi trường nói riêng được triển khai đồng bộ, chặt chẽ, thể hiện qua việc ký kết các quy chế phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ. Định kỳ 6 tháng, hàng năm, các cơ quan, đơn vị đã phối hợp tổ chức sơ kết, tổng kết các kế hoạch, quy chế phối hợp. Qua đó, huy động được sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường đã chủ động nắm chắc tình hình, tham mưu triển khai thực hiện các chuyên đề và kế hoạch tấn công, trấn áp tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh; hoàn thành đạt và vượt mức chỉ tiêu đề ra, không để xảy ra phức tạp và hình thành điểm nóng về môi trường.

Vấn đề môi trường ở một số lĩnh vực được cải thiện rõ nét, nhất là vấn đề rác thải sinh hoạt, môi trường vỉa hè thông thoáng, vệ sinh môi trường khu dân cư được quan tâm hơn.

Bên cạnh đoc còn một số vấn đề như sau: Công tác thanh tra, kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật về môi trường ở cấp huyện hầu như chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, chấn chỉnh, hướng dẫn khắc phục vi phạm; việc xử phạt vi phạm hành chính còn nhiều hạn chế. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường có lúc chưa quyết liệt, thực hiện quyết định xử phạt chưa nghiêm. Việc thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường đối với các đối tượng vi phạm gặp nhiều khó khăn do thiếu các quy định cụ thể. Ngoài ra, Nghị định 166/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính không quy định việc phong tỏa tài khoản của đối tượng vi phạm hành chính khi xác minh thông tin tài khoản. Do đó, các đối tượng vi phạm đã kịp thời đối phó đến khi ban hành quyết định cưỡng chế thì số tiền trong tài khoản của đối tượng vi phạm không còn hoặc còn rất ít. Mặt khác, do một số Ngân hàng không tích cực hợp tác nên việc thực hiện phong tỏa tài khoản rất khó khăn, hầu như không thực hiện được. Tình hình ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh có lúc, có nơi còn diễn biến phức tạp, nhất là ở các cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề, vấn đề vệ sinh môi trường khu công viên, bãi biển chưa bảo đảm. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của UBND cấp xã chưa được thực hiện đầy đủ, hiệu quả theo quy định pháp luật. Nguồn nhân lực, kinh phí, trang thiết bị phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường chưa bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tất cả các xã, phường, thị trấn đều bố trí cán bộ địa chính - xây dựng hoặc văn hóa kiêm nhiệm phụ trách môi trường, các cán bộ này chưa được đào tạo chuyên môn về môi trường; công chức làm công tác quản lý môi trường ở cấp huyện thiếu về số lượng so với yêu cầu công việc; công cụ phục vụ công tác cho các cấp tỉnh, huyện, xã đều chưa được trang bị thỏa đáng; Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường chưa được phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường hàng năm; trình độ, năng lực cán bộ tham mưu công tác quản lý nhà nước về môi trường các cấp còn hạn chế. Với nguồn nhân lực, tài lực như thực trạng hiện nay, để thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là điều rất khó khả thi.

Hoạt động của Quỹ bảo vệ môi trường chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Ngoài ra, quy định pháp luật về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn thiếu, chưa cụ thể, nặng về thủ tục hành chính và thiếu tính khả thi, gây khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Các dự án đầu tư được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa được tổ chức kiểm tra công tác bảo vệ môi trường thường xuyên. Khi có sự cố về ô nhiễm môi trường xảy ra ở các dự án này, vai trò của Bộ - là cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường còn mờ nhạt.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, đề nghị Chính phủ xem xét, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường, đảm bảo đầy đủ, khả thi; quy định cơ chế được phép trích để lại cho các đơn vị chủ trì xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực bảo vệ môi trường nói riêng và lĩnh vực tài nguyên môi trường nói chung để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh do Bộ phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành chức năng tăng cường tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về môi trường đối với các công chức làm công tác quản lý nhà nước về môi trường, nâng cao vai trò, trách nhiệm, chất lượng công tác tham mưu, nhất là ở cấp xã. Quan tâm công tác quản lý nhà nước về môi trường ở cấp huyện, cấp xã, bảo đảm thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường theo quy định pháp luật. Chỉ đạo việc sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường ở cấp huyện, đảm bảo hiệu quả, đúng quy định. Nghiên cứu có giải pháp thu hút nguồn lực xã hội hóa đối với công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tổ chức có thành tích trong công tác bảo vệ môi trường. Có giải pháp quản lý và sử dụng có hiệu quả Quỹ bảo vệ môi trường.