Ninh Phước đi đầu trong thực hiện mô hình nông nghiệp công nghệ cao

(NTO) Ninh Phước đang quyết tâm vươn lên từ nông nghiệp, với việc đi đầu thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Đồng chí Nguyễn Đô, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Ninh Phước có thế mạnh phát triển các loại cây trồng đặc thù giá trị kinh tế cao nhờ thiên nhiên ưu đãi. Để vươn lên từ nông nghiệp, huyện đề ra giải pháp có tính đột phá dựa trên thế mạnh tài nguyên đất đai, coi trọng việc nhân rộng những mô hình sản xuất có năng suất và chất lượng cao. Bằng nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, đến nay trên địa bàn đã hình thành các vùng chuyên canh những loại cây trồng có lợi thế cạnh tranh như: Nho, táo, rau an toàn, bắp giống, lúa sạch. Lĩnh vực chăn nuôi, đáng kể là mô hình nuôi heo thịt quy mô từ 600 - 2.000 con, gà đẻ trứng năng suất 100.000 trứng/ngày tại xã Phước Vinh; mô hình trồng cỏ làm thức ăn gia súc ở các xã, thị trấn đang được nhân rộng, mở ra triển vọng mới cho sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Ninh Phước đi đầu trong thực hiện cánh đồng lớn ứng dụng công nghệ cao
nhằm năng cao giá trị sản xuất.

Bước chuyển biến trong thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10-10-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 là huyện chủ động đề ra các giải pháp hữu hiệu bằng việc tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch, xác định vùng sản xuất tập trung các loại cây trồng chủ lực làm cơ sở đầu tư mạng lưới thủy lợi, đáp ứng yêu cầu sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Trước mắt, trong năm 2017, huyện quyết tâm “khởi động” chương trình nông nghiệp công nghệ cao thông qua xây dựng cánh đồng lớn (CĐL) nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, sức cạnh tranh mặt hàng nông sản trên thị trường. Đề cập đến vấn đề này, đồng chí Nguyễn Đô, nhìn nhận: Xây dựng CĐL đòi hỏi có nguồn lực về đất đai, con người và tài chính, bước đầu triển khai sẽ rất khó khăn nhưng huyện vẫn quyết tâm đi đầu thực hiện thành công, tạo tiền đề cho các nơi khác cùng làm để chương trình có sức lan tỏa rộng.

Cách làm của Ninh Phước trong xây dựng CĐL đó là chú trọng kêu gọi doanh nghiệp hợp tác thử nghiệm một số mô hình ứng dụng quy trình sản xuất khép kín, sử dụng cơ giới, kỹ thuật tiên tiến. Nói đi đôi với làm, hiện nay huyện đã sẵn sàng thực hiện cánh đồng lúa lớn tại xã Phước Hậu vào vụ hè - thu 2017 có sự tham gia của Công ty CP Giống cây trồng Nha Hố ngay từ đầu. Công ty TNHH Linh Đan cũng có thiện chí đầu tư mạnh vào sản xuất măng tây xanh nằm trong hợp phần Dự án Nông nghiệp công nghệ cao ở xã An Hải dự kiến triển khai vào tháng 7-2017. Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc công ty, cho biết: Doanh nghiệp sẽ đầu tư sản xuất măng tây xanh theo chuỗi từ vườn ươn, trồng trọt, thu hoạch, công nghệ bảo quản, phân phối sản phẩm. Với mô hình tổ chức sản xuất này, nông dân trở thành công nhân trên chính đồng ruộng của mình, thu nhập của bà con cao nhờ giảm được nhiều chi phí đầu vào, năng suất và chất lượng sản phẩm tăng.

Song hành với thực hiện các mô hình thí điểm, Ninh Phước cũng đã xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình trong những năm tới. Giải pháp vận động nhân dân “dồn điền” thông qua HTX liên kết với doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao huyện đang thực hiện là hướng đi thích hợp đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư và nông dân đã nhanh chóng chuyển giao các mô hình hiệu quả ra diện rộng. Từ việc đề ra hướng đi đúng, Ninh Phước đặt niềm tin đến năm 2020 giá trị sản xuất trên 1ha đất sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trung bình đạt từ 300 triệu đồng trở lên đúng như mục tiêu của Nghị quyết 05-NQ/TU đề ra. Không dừng lại đó, huyện còn có hướng nâng giá trị sản xuất của một số cây trồng có lợi thế lên 1 tỷ đồng/ha/năm bằng cách ưu tiên tập trung thử nghiệm một số mô hình áp dụng các quy trình công nghệ tiên tiến sản xuất rau an toàn, nho, măng tây xanh trong nhà kính.