Nhìn lại công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh

(NTO) Có thể nói, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư đóng vai trò tích cực, là điều kiện quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và là động lực chính vừa thu hút đầu tư, vừa đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.

Từ những kết quả đáng ghi nhận...

Với ý nghĩa và tầm quan trọng như đã nêu trên, xác định công tác bồi thường, GPMB là công việc của cả hệ thống chính trị theo hướng tổ chức Đảng tập trung lãnh đạo, chính quyền tích cực triển khai thực hiện, các đoàn thể tích cực vận động nhân dân thực hiện. Trong thời gian triển khai thực hiện các dự án, dù lớn hay nhỏ, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các đoàn thể đều nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ, công tác vận động thuyết phục nhân dân chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đất đai, bồi thường, GPMB và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất... nên đã đạt nhiều kết quả khả quan. Chỉ tính từ đầu tháng 7-2014 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, GPMB đất để thực hiện 130 dự án thuộc các lĩnh vực: Hạ tầng giao thông, thủy lợi, công nghiệp, du lịch, đô thị, phục vụ dân sinh,... với tổng diện tích đất đã thu hồi là 930,82 ha của 10.502 hộ, với tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trên 1.428 tỷ đồng. Trong số này đã thực hiện chi trả với tổng số tiền trên 1.231,52 tỷ đồng. Qua đó, tính đến nay đã có 8.688 hộ đã bàn giao mặt bằng với diện tích là 560,83 ha; còn lại 1.814 hộ chưa bàn giao mặt bằng, nguyên nhân chủ yếu là do dự án đang thực hiện, chủ đầu tư chưa có kinh phí để chi trả, dự án đang niêm yết công khai, đang hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý có liên quan để xét bồi thường...

Dự án Nhà ở xã hội D7-D10 (phường Mỹ Bình, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm)
góp phần đảm bảo an sinh xã hội tỉnh nhà.Ảnh: Mai Dũng

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), đối với tỉnh ta việc thực hiện nhiệm vụ nêu trên có những thuận lợi cơ bản như: Quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ngày càng được hoàn thiện và phù hợp hơn; đối tượng được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được xác định đầy đủ, chính xác, phù hợp với tình hình thực tế; mức bồi thường, hỗ trợ ngày càng cao tạo điều kiện cho người có đất bị thu hồi khôi phục sản xuất, ổn định đời sống; biện pháp hỗ trợ khác đã được bổ sung kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, nhằm giúp cho người dân ổn định đời sống và sản xuất. Việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng được triển khai thực hiện theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tạo quỹ đất sạch đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Quy định về trình tự, thủ tục, trách nhiệm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cụ thể hóa giúp công tác thu hồi đất, bồi thường, GPMB đất được thực hiện nhanh chóng, đúng quy định của pháp luật và đạt hiệu quả. Đồng thời, các vướng mắc về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được Chủ tịch UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo xử lý theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật...

…Đến những khó khăn, vướng mắc cần được nhận diện

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, vướng mắc đã làm công tác bồi thường, GPMB vẫn còn kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai của các công trình, dự án; việc khiếu kiện liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất vẫn còn xảy ra và khá phổ biến. Vậy đâu là nguyên nhân?.

Theo lãnh đạo ngành TN&MT, ngoài những nguyên nhân khách quan về chính sách nói chung, xét về mặt thực tiễn vấn đề nổi lên đó là: Do khó khăn về ngân sách nên công tác chuẩn bị các điều kiện cần thiết theo quy định của pháp luật trước khi triển khai công tác thu hồi đất, bồi thường, GPMB còn hạn chế, nhất là chưa đầu tư trước các khu tái định cư cho người có đất bị thu hồi. Trên thực tế, công tác này được thực hiện song song với quá trình thu hồi đất của dự án, người có đất ở, nhà ở bị giải tỏa gặp khó khăn trong việc xác định và tạo dựng nơi ở mới, từ đó dẫn đến việc chậm bàn giao mặt bằng đất cho dự án. Một số địa phương chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, chưa làm tốt công tác vận động, giải thích cho người dân hiểu rõ quy định của pháp luật hoặc né tránh, thiếu cương quyết, không giải quyết dứt điểm, làm cho công tác thu hồi đất, GPMB bị kéo dài. Hồ sơ địa chính trong một thời gian dài chưa được quan tâm đúng mức, công tác cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính chưa được coi trọng hoặc không đầy đủ nên việc quy chủ, xác nhận nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất chưa chính xác về đối tượng dẫn đến bồi thường sai, gây thất thoát kinh phí. Một số cán bộ làm công tác bồi thường, GPMB còn hạn chế về năng lực và thiếu chuyên nghiệp, thậm chí tiêu cực nên dẫn đến những hệ lụy phải khắc phục sau khi thực hiện. Mặt khác, về phía người có đất bị thu hồi ý thức chấp hành pháp luật chưa cao do tính toán lợi ích cá nhân nên không chấp hành các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tự ý lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép để đón đầu dự án nhằm trục lợi. Một số khác lợi dụng chính sách, thực hiện việc chia tách thửa, tách hộ, chuyển nhượng không theo quy định của pháp luật nhằm trục lợi; kích động những người liên quan tham gia khiếu kiện tập thể, gây mất ổn định. Đó là chưa đề cập đến những trường hợp như một số dự án có quy mô lớn về diện tích đất thu hồi và số hộ bị ảnh hưởng nhưng do chủ đầu tư gặp khó khăn về nguồn vốn dẫn đến thời gian thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, GPMB bị kéo dài; thậm chí có dự án tuy đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, đã có quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (chưa chi trả tiền bồi thường) nhưng Nhà đầu tư quyết định dừng thực hiện dự án, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong vùng dự án, như dự án Trường Cao đẳng nghề Tân Bách Khoa tại huyện Ninh Hải... Có thể nói, những ách tắc trong công tác GPMB, giao đất và thu hồi đất nói trên vô hình trung đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế của tỉnh, đời sống việc làm của người dân trong vùng dự án... mà còn gây lãng phí nguồn lực, nhất là đối với địa phương còn nhiều khó khăn như tỉnh ta.

Giải pháp thực hiện trong thời gian tới

Nhận rõ những hạn chế để khắc phục là yêu cầu bức thiết đặt ra để làm tốt công tác bồi thường, GPMB và tái định cư, góp phần tích cực đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Thực tế cho thấy, một khi bồi thường, hỗ trợ một cách thoả đáng thì người dân sẽ thoả mãn và tự nguyện di dời, ngược lại nếu chính sách bồi thường, hỗ trợ không hợp lý, không công bằng, không đảm bảo được cuộc sống cho người dân bằng hoặc tốt hơn trước khi có dự án thì sẽ gây nên sự so bì, khiếu kiện cản trở đến việc thực hiện dự án.  Để đạt được kết quả tốt trong công tác đã nêu, theo chúng tôi cần quan tâm đến một số giải pháp: Đầu tiên cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của các dự án triển khai trên địa bàn đối với sự nghiệp phát triển của quê hương, đất nước. Từ đó, xác định việc hoàn thành công tác bồi thường, GPMB bàn giao cho chủ đầu tư và đơn vị thi công đúng kế hoạch là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách. Ngoài sự chỉ đạo kiên quyết của UBND tỉnh, sự vào cuộc của các ngành chức năng, của cả hệ thống chính trị, còn cần có sự linh hoạt và luôn đổi mới phương pháp trong thực hiện nhiệm vụ, sự đồng thuận trong nhân dân. Cần phải quan tâm, đầu tư hơn nữa cho công tác quản lý nhà nước về đất đai, thiết lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đầy đủ, chính xác. Tạo điều kiện để giải quyết những ách tắc trong công tác GPMB, giao đất và thu hồi đất. Nâng cao hiệu quả công tác đánh giá và lập phương án tiền khả thi các dự án có GPMB. Cần công khai hoá và dân chủ hoá các phương án đền bù GPMB để mọi đối tượng liên quan đến đều biết, thống nhất, tránh so bì thắc mắc và tiêu cực. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh các vướng mắc, lãnh đạo các cấp chính quyền phải trực tiếp đến từng hộ dân, từng vị trí còn vướng mắc để kiểm tra cụ thể, xác định nguyên nhân và có giải pháp xử lý kịp thời, phù hợp, kiên quyết, dứt điểm, không để xảy ra các vấn đề phức tạp. Quan tâm bố trí nơi tái định cư cho các hộ dân phải di dời tuân thủ đúng các điều kiện theo quy định. Việc lập quy hoạch, kế hoạch xây dựng quỹ nhà, quỹ đất tái định cư đảm bảo đủ nhu cầu GPMB, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và xã hội, đảm bảo tiêu chuẩn, tạo việc làm cho người có đất bị thu hồi. Tạo niềm tin của quần chúng đối với chủ trương và chính sách của Nhà nước thông qua giải quyết dứt điểm những khiếu nại của Nhân dân, kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp lợi dụng chính sách của Nhà nước để chây ỳ trục lợi. Nâng cao trách nhiệm và phải chịu trách nhiệm của cán bộ cấp xã trong việc xác nhận nguồn gốc đất đai; quản lý chặt chẽ quỹ đất chưa sử dụng, tránh tình trạng lấn, chiếm đất công, xây dựng nhà trái phép để đòi bồi thường khi có Dự án đầu tư...

Thiết nghĩ, thực hiện đồng bộ các giải pháp đã nêu sẽ tạo động lực mới để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo Luật Đất đai năm 2013 trong thời gian tới, hạn chế xảy ra vướng mắc, khiếu kiện của người dân, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.