Khoảnh khắc và Sự kiện 13-5

1.Trong nước

* Ngày 13-5-1959: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy In Tiến Bộ. Nhà máy in Tiến Bộ (nay là Công ty In Tiến Bộ) được xây dựng trên mảnh đất Nhà tiền - địa điểm từng giam giữ tù chính trị của thực dân Pháp (nay là 175 phố Nguyễn Thái Học, thành phố Hà Nội). Ngày 28-5-1958, Nhà máy này chính thức được khánh thành.

Những lời căn dặn của Người là kim chỉ nam xuyên suốt trong quá trình xây dựng và phát triển của công ty những năm qua.

Trong 59 năm qua, Công ty đã hoàn thành nhiều tỷ trang in Văn kiện, các tài liệu chính trị quan trọng phục vụ các kỳ Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc; các tài liệu của Quốc hội, Chính phủ đảm bảo chất lượng, nhanh chóng, bí mật, chính xác, an toàn tuyệt đối. Công ty đã vinh dự 2 lần được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động (năm 1985 và năm 2000). 

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy In Tiến Bộ.

* Ngày 13-5-1968: Khai mạc Hội nghị Paris về Việt Nam. Hội nghị Pari về Việt Nam là cuộc đấu tranh ngoại giao của nhân dân Việt Nam với đế quốc Mỹ ở thủ đô Paris (Pháp) bắt đầu từ ngày 13-5-1968 và kết thúc vào ngày 27-1-1973.

Trong gần 5 năm, khoảng thời gian dài chưa từng thấy của lịch sử đàm phán, với 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1000 cuộc phỏng vấn, hàng trăm cuộc mít tinh ủng hộ Việt Nam và cuối cùng, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết như một thắng lợi quan trọng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đã buộc Mỹ phải rút quân khỏi Việt Nam. 

2.Thế giới

* Ngày 13-05-1954: Trao giải Nobel Y học cho thành tựu nuôi cấy thành công vi khuẩn gây bệnh bại liệt. Ba nhà vi trùng học người Mỹ là John F.Enders, Thomas H. Weller và Frederick C. Robbins đã được trao giải Nobel Y học do đã nuôi cấy thành công vi khuẩn gây bệnh bại liệt trong điều kiện phòng thí nghiệm. Trước đó, người ta tin rằng vi khuẩn bại liệt chỉ tồn tại trong tế bào thần kinh của các động vật sống.

Việc nuôi cấy thành công vi khuẩn bại liệt trong điều kiện phòng thí nghiệm đã góp phần đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu, sản xuất vaccine ngừa bại liệt thời gian sau đó trên toàn thế giới.

* Ngày 13-5-2007: Bulgaria khởi công xây dựng cầu Danube II. Cầu Danube II hay cầu Dunav II được xây dựng trên sông Danube, nối liền vùng Vidin của Bulgaria với vùng Calafat của Romania. 

Cây cầu này có chiều dài 1.971 m, uốn cong 43 m trên mặt nước. Cầu có bốn làn đường và một tuyến đường sắt. Đây là một trong những cây cầu dài nhất trong số 105 chiếc cầu được bắc qua dòng sông nổi tiếng này. 

Dự án cầu Danube II trị giá 274 triệu euro, được hỗ trợ tài chính từ các chương trình hợp tác hỗ trợ vốn của Liên minh châu Âu (EU), trong đó Công ty FCC của Tây Ban Nha là nhà thiết kế và chủ thầu các hạng mục chính trong dự án này.  Sau khi khánh thành và đưa vào sử dụng trong tháng 6-2013, cây cầu đã góp phần làm gia tăng sự phát triển kinh tế của vùng Tây Bắc Bulgaria và phần tương ứng của Romania.

Theo TTXVN