IAEA tìm giải pháp cho khủng hoảng nguồn phóng xạ

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đang tích cực thúc đẩy những nỗ lực quốc tế nhằm tìm kiếm giải pháp dài hạn cho cuộc khủng hoảng nguồn chất đồng vị phóng xạ phục vụ y tế, đặc biệt là để sử dụng chẩn đoán và điều trị các bệnh đau tim và ung thư.

Pablo Adelfang, Giám đốc phụ trách các lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu của IAEA nhấn mạnh nhu cầu cấp bách cải thiện độ tin cậy và ổn định của nguồn cung phóng xạ cho nhu cầu y tế này, nhưng cũng phải loại trừ hiểm họa từ nguồn nguyên liệu urani có độ làm giàu cao (HEU).

Việc phục hồi hai lò phản ứng hạt nhân của IAEA sản xuất các chất đồng vị phóng xạ cho y tế không có nghĩa là cuộc khủng hoảng đã chấm dứt.

IAEA đang thúc đẩy dự án nghiên cứu (CRP) phối hợp 15 nước tham gia phát triển kỹ thuật sản xuất Mo-99 từ nguồn urani có độ làm giàu thấp (LEU) để giải quyết tận gốc cuộc khủng hoảng này.

Hơn một nửa trong số 15 nước này hiện đã vượt qua giai đoạn thử nghiệm, bắt đầu đi vào sản xuất quy mô nhỏ và vừa các chất đồng vị phóng xạ dành cho y tế trong năm 2011.

IAEA lưu ý dự án CRP chưa thể đảm bảo cung cấp các chất đồng vị phóng xạ cho y tế toàn cầu trước nhu cầu y tế tăng hiện nay. IAEA tiếp tục thúc đẩy xây dựng các lò phản ứng nghiên cứu quy mô lớn đồng thời tiếp tục đa dạng hóa những nguồn cung các chất đồng vị này.

Cuộc khủng hoảng nguồn cung chất đồng vị phóng xạ cho y tế bắt đầu từ cuối năm 2007 do nguồn cung các chất như molybdenum-99 (Mo-99) và technetium-99m (Tc-99m) bị cắt giảm từ 20-70%.

Hai chất đồng vị phóng xạ này được sử dụng cho hơn 30 triệu ca chẩn đoán và điều trị các bệnh đau tim và ung thư hàng năm trên toàn cầu.

(Theo TTXVN/Vietnam+)