Việt Nam đã đạt được những kỳ tích thực sự

Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI đã kết thúc thành công tốt đẹp. Trong suốt khoảng thời gian từ khi bắt đầu đến khi kết thúc đại hội, báo chí và bạn bè quốc tế luôn dành cho Đại hội Đảng XI sự quan tâm theo dõi đặc biệt. Dịp này, một số Tổng lãnh sự đang sống và làm việc tại TPHCM có những tâm sự chân thành với Báo SGGP.

Ông Hida Harumitsu - Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh

2010 là năm nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng đều đặn, đạt mức 6,75%, vượt mục tiêu ban đầu 6,5%. Trong thời gian công tác tại Việt Nam, tôi rất ngạc nhiên vì sự thay đổi nhanh chóng ở TPHCM: cơ sở hạ tầng phát triển, nhiều trung tâm thương mại được mở, dân số tăng nhanh. Người dân Việt Nam thân thiện với Nhật Bản. Do đó người Nhật yên tâm công tác tại Việt Nam. Số công ty thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tính từ năm 2000 cho đến nay đã tăng gấp 2 lần, từ 225 công ty lên 496 công ty tính đến 1-2011.

Nhờ chính sách Đổi mới năm 1986, Việt Nam chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và mở rộng đối ngoại, tạo điều kiện cho Nhật Bản nối lại viện trợ ODA và đầu tư nhiều dự án phát triển tại TP.Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung. Đầu tư của Nhật Bản (dự án được cấp phép) tại TP.Hồ Chí Minh tính đến tháng 9-2010 là 21 dự án với tổng số vốn 83,2 triệu USD. Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 (ước tính kim ngạch thương mại song phương năm 2010 đạt 16 tỷ USD).

Bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam cũng gặp phải một số vấn đề khó khăn. Giải quyết được các vấn đề này sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững. Trong năm 2011, Lãnh sự quán Nhật Bản tại TPHCM sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ giữa hai bên thông qua nhiều dự án đầu tư, các dự án viện trợ không hoàn lại dành cho địa phương và các sự kiện giao lưu văn hóa.
 

Ông Abhay Thakur - Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP.Hồ Chí Minh

Trong khối ASEAN, Việt Nam đang là quốc gia thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất từ Ấn Độ. Tôi nghĩ, không chỉ Ấn Độ mà rất nhiều quốc gia khác đều thấy được sự ổn định chính trị tại Việt Nam là điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hợp tác thương mại. Việc giao lưu thương mại giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế ngày càng dễ dàng. Quan trọng hơn nữa, các trung tâm xúc tiến thương mại – đầu tư do Chính phủ tạo ra nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài trong quá trình tiếp cận thị trường Việt Nam đã hoạt động rất hiệu quả.

Với cơ sở hạ tầng được đầu tư tốt, TP.Hồ Chí Minh được đánh giá là nơi trung chuyển lý tưởng bằng đường hàng không và tàu biển. Với những thuận lợi về tốc độ phát triển, cơ sở hạ tầng được bảo đảm và chất năng động của mình,  TP.Hồ Chí Minhluôn là điểm đến hấp dẫn, tạo sức hút mạnh với các doanh nghiệp Ấn Độ.

Hơn 50 năm trước, Thủ tướng Nehru của Ấn Độ cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo những viên gạch đầu tiên cho quan hệ hữu nghị bền chặt giữa hai quốc gia. Đến nay, chúng ta đã xây dựng được niềm tin vững vàng trên mọi phương diện hợp tác. Ấn Độ đang thực hiện chính sách hướng Đông và luôn xem Việt Nam là đối tác lâu dài ở mọi lĩnh vực hợp tác. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ ở thời điểm hiện tại đã tăng hơn 10 lần so với năm 2000.

Với những điểm chung trong định hướng phát triển, tôi tin rằng Việt Nam và Ấn Độ sẽ tiếp tục đưa nền kinh tế đất nước phát triển hơn nữa, trên cơ sở hợp tác bền vững và vì lợi ích chung của cả hai nước.

Ông Gabriel Francisco Perez Tarrau - Tổng lãnh sự Cuba tại TP.Hồ Chí Minh

Những thành tựu vượt bậc mà Việt Nam đạt được trên các lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội chỉ trong vòng 25 năm là một kỳ tích thực sự.

Trong thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, các chỉ số về vai trò của nền kinh tế Việt Nam trên các lĩnh vực khác nhau luôn là những con số khả quan. Việt Nam vẫn tiến lên trong cuộc chiến xóa đói nghèo; tổng sản phẩm quốc nội vẫn tăng lên một cách bền vững, sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư bằng nguồn vốn trong nước và nước ngoài vẫn gia tăng. Các công trình cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao luôn tiến bộ theo nhịp tăng tốc đó.

 


Ông Gabriel Francisco Perez Tarrau (giữa) thăm khu di tích Chiến thắng Ấp Bắc, Tiền Giang. Ảnh: Thụy Vũ
 

Theo tôi, nhiệm vụ quan trọng nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam là giữ vững đoàn kết dân tộc, đảm bảo sự ổn định nội tại và có động thái linh hoạt trong chính sách ngoại giao trong bối cảnh toàn cầu hóa phức tạp như hiện nay.

Trong quá trình cập nhật hóa mô hình kinh tế, Cuba sẽ tạo ra các cơ hội mới cho việc đầu tư và thương mại song phương. Cuba rất quan tâm tới các kinh nghiệm của Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng, việc tổ chức thành công Đại hội Đảng lần thứ XI của Việt Nam và Đại hội Đảng lần thứ VI của Cuba vào tháng 4 tới đây sẽ đóng góp vào việc củng cố các mối quan hệ song phương của chúng ta và sự tiến bộ không ngừng trên con đường xây dựng CNXH của hai nước.

(Theo SGGP Online)