Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động lần thứ 1: Thúc đẩy công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động để phòng ngừa các tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp

(NTO) Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) lần thứ 1-năm 2017 diễn ra từ ngày 1 đến 31-5. Phóng viên Báo Ninh Thuận đã có cuộc trao đổi với đồng chí Hà Anh Quang, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh & Xã hội xung quanh vấn đề này.

Đồng chí Hà Anh Quang
Giám đốc Sở Lao động- Thương binh & Xã hội

Phóng viên: Đồng chí đánh giá về tình hình ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

Đồng chí Hà Anh Quang: Xác định công tác ATVSLĐ là nhiệm vụ hết sức quan trọng, gắn với sự tồn tại, phát triển của mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, thời gian qua, các cấp, các ngành chức năng không ngừng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về ATVSLĐ và đạt được một số kết quả tích cực. Năm 2016, toàn tỉnh chỉ xảy ra 12 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), làm chết và bị thương 12 người, giảm 3 người so với năm 2015. Trong đó, có 4 người chết (giảm 1 người), 2 người bị thương nặng, 6 người bị thương nhẹ; có 2 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp (BNN). Nguyên nhân TNLĐ chết người chủ yếu là do tai nạn giao thông trên đường đi đến nơi làm việc hoặc ngược lại (3 vụ); bị đối tượng đâm khi thực thi nhiệm vụ (1 vụ); không có TNLĐ chết người xảy ra trong quá trình lao động, sản xuất.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác ATVSLĐ vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Qua các cuộc thanh tra, kiểm tra cho thấy, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn vì chạy theo lợi nhuận nên không quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bảo hộ lao động, cũng như chưa dành thời gian cho công tác huấn luyện ATVSLĐ; không thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách bảo đảm ATVSLĐ, sức khỏe cho người lao động (NLĐ). Trong khi người sử dụng lao động thiếu ý thức trách nhiệm, thì đại đa số NLĐ chưa nhận thức đầy đủ về ATVSLĐ nên còn chủ quan, chưa thực hiện đúng quy định về ATVSLĐ, kỹ thuật, quy trình vận hành máy móc trong quá trình lao động, sản xuất. Một số lao động do kinh tế khó khăn, vì cuộc sống mưu sinh vẫn chấp nhận làm việc trong môi trường độc hại, thiếu an toàn. Đây là những nguyên nhân, nguy cơ dẫn đến TNLĐ, BNN.

Ngoài ra, do đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ mỏng nên công tác này nhiều lúc, nhiều nơi chưa chặt chẽ, toàn diện. Theo thống kê, hằng năm trung bình có trên 50% doanh nghiệp không thực hiện báo cáo định kỳ về bảo hộ lao động, TNLĐ. Nhiều doanh nghiệp có báo cáo nhưng mang tính đối phó, chậm so với thời gian quy định nên ảnh hưởng đến công tác quản lý của ngành chức năng…

Phóng viên: Tháng hành động vì ATVSLĐ lần thứ 1 có chủ đề “Thúc đẩy công tác huấn luyện ATVSLĐ để phòng ngừa các TNLĐ và BNN”, vậy tỉnh ta sẽ có những hoạt động, cũng như các giải pháp gì để thực hiện tốt các nội dung này?

Đồng chí Hà Anh Quang: Trước mắt, tỉnh ta tập trung thực hiện tốt Tháng hành động về ATVSLĐ. Yêu cầu các hoạt động diễn ra phải bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả, huy động sự tham gia, phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp, trong cả khu vực có mối quan hệ lao động và khu vực không có mối quan hệ lao động. Về phía chính quyền địa phương, ngành chức năng sẽ đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: phát động các cuộc thi, chiến dịch truyền thông, phát hành các ấn phẩm hướng dẫn, tư vấn, tuyên truyền, tập huấn, huấn luyện... về ATVSLĐ. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về ATVSLĐ tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tập trung vào các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nguy cơ, rủi ro cao về TNLĐ, BNN, cháy nổ. Ngoài ra, tổ chức thăm hỏi, động viên các nạn nhân, gia đình nạn nhân bị TNLĐ… Về phía doanh nghiệp, yêu cầu phải tự kiểm tra, đánh giá, rà soát, bổ sung các nội quy, quy trình, biện pháp kỹ thuật, các vật tư, máy móc, trang thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, cháy nổ tại đơn vị; rà soát, xây dựng kế hoạch và tổ chức huấn luyện ATVSLĐ theo Nghị định 44/2016/NĐ-CP, ngày 15-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tích cực phối hợp, hợp tác giúp các cấp, các ngành chức năng thực hiện tốt các hoạt động đã đề ra trong Tháng hành động về ATVSLĐ.

Sau Tháng hành động, tiếp tục duy trì các hoạt động về ATVSLĐ, tập trung vào công tác thông tin, tuyên truyền, huấn luyện cho NLĐ theo chủ đề, nội dung Tháng hành động để tạo ý thức, nền nếp, thói quen tuân thủ các quy định về ATVSLĐ cho NLĐ. Tăng cường hướng dẫn cho NLĐ, người sử dụng lao động các biện pháp kiểm soát, đánh giá, phòng ngừa các nguy cơ rủi ro về TNLĐ trong quá trình lao động, sản xuất; đồng thời, thường xuyên tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra; biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; cương quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; rà soát, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về bảo hộ lao động, tình hình TNLĐ, BNN của các doanh nghiệp…, góp phần tích cực nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của NLĐ, người sử dụng lao động, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị- xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực này, tất cả hướng đến lợi ích, sức khỏe của NLĐ, sự phát triển bền vững, lâu dài của doanh nghiệp và của toàn xã hội.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!