Ninh Hải: Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

(NTO) Huyện Ninh Hải hiện có trên 100 ngàn dân, trong đó trong độ tuổi lao động gần 59 ngàn người. Từ thực tế trên, những năm qua, huyện Ninh Hải đã xác định công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn là nhiệm vụ quan trọng, nhằm góp phần vào công tác giảm nghèo ở địa phương.

Ông Trần Hoài Nam, Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Để giúp người lao động tìm được việc làm phù hợp, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách dạy nghề, trong năm 2016 huyện còn chỉ đạo các phòng chức năng và các xã, thị trấn tiến hành điều tra, khảo sát về nhu cầu học nghề để liên kết mở 13 lớp đào tạo những ngành nghề phù hợp với nhu cầu thị trường. Sau khi được học nhề, nhiều lao động nông thôn đã tìm được việc làm phù hợp tại một số doanh nghiệp trong tỉnh, như: Công ty Chế biến thủy sản Thông Thuận, Công ty May Tiến Thuận, Công ty Du lịch Hoàn Cầu... Không những vậy, thông qua tuyển dụng lao động, liên kết đào tạo, nhiều lao động được nhận vào làm việc tại một số tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh...

 

Thông qua lớp đào tạo nghề ông Phạm Văn Đội (thôn Phương Cựu 3,
xã Phương Hải) đã áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi gà mang lại hiệu quả.

Theo số liệu của Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội Ninh Hải, từ năm 2016 đến nay, toàn huyện có 370 lao động được đào tạo nghề. Nhiều người sau khi học nghề còn được tạo điều kiện vay vốn ngân hàng đầu tư phát triển sản xuất mang lại hiệu quả. Anh Phạm Văn Đội, thôn Phương Cựu 3, xã Phương Hải chia sẻ: Năm 2016, anh đã tham gia lớp dạy nghề chăn nuôi. Từ vốn kiến thức được học đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để làm vốn đầu tư chuồng trại phát triển chăn nuôi gà. Hiện nay, gia đình đang nuôi gần 800 con gà thịt, mỗi tháng có thu nhập từ 2-3 triệu đồng.

Song song với công tác đào tạo nghề, công tác xuất khẩu lao động cũng được huyện quan tâm triển khai kịp thời, với chủ trương chọn thị trường phù hợp, chi phí thấp để người dân được ký kết hợp đồng lao động. Với cách làm này, trong năm 2016 toàn huyện có 28 người xuất khẩu lao động ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Ả Rập Xê Út với mức lương từ 9-30 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, từ các nguồn vốn dự án giảm nghèo, huyện còn triển khai nhiều mô hình chăn nuôi bò, dê, cừu... giúp bà con dân tộc Raglai ở 2 thôn Cầu Gãy và Đá Hang (xã Vĩnh Hải) chủ động trong việc phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trong thời gian tới, huyện tiếp tục phối hợp với các ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; phối hợp với các cơ sở dạy nghề, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức tư vấn việc làm, đào tạo nghề và xuất khẩu lao động; hỗ trợ tín dụng để phát triển sản xuất, hỗ trợ vay vốn đối với người xuất khẩu lao động; thu hút đầu tư, liên kết với các doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho lao động đã qua đào tạo. Trước mắt, trong năm 2017 mở 16 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 450 học viên; giải quyết việc làm mới cho 3.100 lao động; xuất khẩu lao động 20 người.