UBND tỉnh: Hội nghị trực tuyến về dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện “Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu”

(NTO) Ngày 21-4, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị trực tuyến nghe báo cáo dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện “Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”.

 
Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị trực tuyến.

Theo dự thảo, các chỉ tiêu của năm 2017 là: Tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 7-8%. Trong đó nông, lâm nghiệp tăng 6-7%; thủy sản tăng 8-9%. Giá trị sản xuất đất canh tác chủ động nước đạt 106 triệu đồng/ha. Trong năm có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Các nhiệm vụ cấp bách phải triển khai trong năm 2017 tập trung vào 6 nhóm giải pháp chủ yếu gồm: Tập trung công tác tuyên truyền; công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất ứng phó biến đổi khí hậu gắn với xây dựng nông thôn mới; tham mưu Đề án về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI), tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư tư nhân vào nông nghiệp; tham mưu sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn; cơ chế, chính sách phát triển các hình thức đầu tư có sự tham gia của Nhà nước và tư nhân; tổ chức lại sản xuất, chuyển giao ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất, quản lý chất lượng nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm.

Sau khi nghe góp ý của một số ngành, địa phương, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành tham mưu, định hướng cụ thể và hỗ trợ các địa phương trong việc thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu. UBND từ cấp huyện, thành phố đến cấp xã phải cụ thể hóa Đề án bằng những nội dung công việc cụ thể, nâng cao trách nhiệm trọng thực hiện nhiệm vụ. Đối với giải pháp thực hiện Đề án, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý 3 nhóm vấn đề chính: Tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng thủy lợi; ứng dụng khoa học-công nghệ để phát triển các sản phẩm đặc thù và thu hút doanh nghiệp và nông dân đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: Phát triển vùng nguyên liệu cây đặc sản, triển khai nhân rộng các mô hình tưới nước tiết kiệm, thực hiện mô hình cánh đồng lớn gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cơ quan truyền thông tích cực mở thêm nhiều chuyên trang tuyên truyền về Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu năm 2017, giai đoạn đến năm 2020 và các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Nông nghiệp để nông dân tiếp cận thông tin và tích cực thực hiện Đề án.