Tăng cường phòng, chống dịch bệnh mùa hè

(NTO) Thời tiết thất thường, nắng nóng kéo dài là điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật, vi khuẩn phát triển dẫn đến một số bệnh truyền nhiễm như: tả, thương hàn, cảm, cúm, sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM)… Vì vậy, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, nhất là đối với trẻ em.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 153 ca SXH, 182 ca TCM, 23 ca thủy đậu, 30 ca quai bị, 383 ca tiêu chảy… Riêng từ ngày 1 đến 14-4, có 28 ca SXH, 16 ca TCM, 11 ca quai bị, đặc biệt số ca tiêu chảy tăng cao với 82 ca. Còn tại Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ đầu tháng tư đến nay, đã tiếp nhận 80 trẻ bị viêm phổi, 8 ca ngộ độc thực phẩm, 64 ca sốt siêu vi… Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Nhờ tăng cường giám sát, xử lý kịp thời các ca bệnh truyền nhiễm, nên nhìn chung, tình hình dịch bệnh thời gian qua được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, dự báo nắng nóng tiếp diễn trong những ngày tới, nếu người dân không phòng ngừa tốt rất có thể bị nhiễm bệnh và nguy cơ bùng phát dịch hoàn toàn có thể.

 
Nhiều trẻ bị mắc bệnh tiêu chảy phải nhập viện trong những ngày qua.

Để phòng ngừa dịch bệnh, người dân cần giữ vệ sinhchung, ăn uống hợp vệ sinh, thực hiện tốt nguyên tắc “ăn chín, uống sôi”, rửa tay sạch cho mình và con em bằng xà phòng trước, sau khi ăn uống, chế biến thức ăn, đi vệ sinh; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh... giúp phòng các bệnh về đường ruột như tả, lị, TCM… Không nên cho trẻ uống nước đá lạnh; trong trường hợp sử dụng quạt, máy lạnh không nên để hơi lạnh, luồng gió phà trực tiếp vào cơ thể trẻ… để phòng cho trẻ các bệnh đường hô hấp như viêm mũi, viêm họng, cảm, cúm… Người dân thường xuyên vệ sinh khu vực sinh sống, phát quang bụi rậm, lật úp chai, lọ… tránh để nước đọng tạo điều kiện muỗi phát triển để phòng bệnh SXH. Ngoài ra, cũng cần lưu ý theo dõi, đưa con em trong độ tuổi đi tiêm chủng đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng nhằm phòng đủ 8 bệnh cho trẻ; cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống các loại nước trái cây nhằm bổ sung vitamin, khoáng chất giúp cơ thể tăng sức đề kháng, phòng bệnh…

Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh cho biết thêm: Ngoài chỉ đạo các tuyến tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát dịch tễ trong cộng đồng, Trung tâm Y tế dự phòng đã chuẩn bị đầy đủ các hóa chất để chủ động chống dịch trong điều kiện khẩn cấp, cao điểm. Các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị tốt nhân lực, vật lực để thu dung, điều trị các ca bệnh cũng như ứng phó kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra. Vừa qua, Sở Y tế cũng đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức giám sát việc thực hiện công tác phòng chống các loại dịch cúm, nhất là cúm A/H7N9 trên đàn gia cầm tại 7 huyện, thành phố nhằm nâng cao nhận thức, hướng dẫn các biện pháp giúp người dân phòng ngừa dịch bệnh nguy hiểm này.