Tăng cường kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

(NTO) Theo số liệu thống kê của Tổng cục Dân số Việt Nam tỉnh ta có tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh thấp so với cả nước, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất cân bằng. Do đó, việc triển khai thực hiện các giải pháp nhằm duy trì ổn định tỷ số giới tính, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) là vấn đề cấp thiết cần được quan tâm.

Thực trạng và hệ lụy mất cân bằng giới tính khi sinh

Ở tỉnh ta, tình trạng MCBGTKS trong những năm qua dần được khống chế. Theo báo cáo của Chi cục DS–KHHGĐ tỉnh, năm 2013, tỷ số giới tính khi sinh tỉnh ta là 119 bé trai/100 bé gái. Nhưng đến năm 2016 chỉ còn 107 bé trai/100 bé gái. Mặc dù tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh ta hiện đang ở mức thấp so với cả nước, song không ổn định và tiềm ẩn yếu tố mất cân bằng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng MCBGTKS, trong đó tập trung những nguyên nhân chính: Tình trạng lạm dụng những tiến bộ khoa học-công nghệ để lựa chọn giới tính khi sinh, việc tuyên truyền, thực hiện pháp luật về cấm lựa chọn giới tính thai nhi còn nhiều hạn chế; công tác thanh-kiểm tra về xử lý các trường hợp vi phạm chính sách dân số, siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi chưa thường xuyên; tâm lý trọng nam, khinh nữ vẫn ăn sâu trong tiềm thức nhiều người.

Theo dự báo của Tổng cục DS-KHHGĐ, tình trạng MCBGTKS hiện tiếp tục gia tăng. Với tốc độ này, đến năm 2045-2050, Việt Nam sẽ có trên 2 triệu nam giới trưởng thành không có cơ hội lấy vợ, gây gia tăng thêm sự bất bình đẳng giới, thể hiện ở việc phụ nữ phải kết hôn sớm, tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ tăng cao, tình trạng bạo hành giới, mua dâm, mua bán phụ nữ sẽ tăng cao…

Nỗ lực giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Nhằm hạn chế những hệ lụy của việc MCBGTKS, ngày 6-9-2016, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3595/KH-UBND về thực hiện Đề án Kiểm soát MCBGTKS trên địa bàn tỉnh ta giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu: Từng bước khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, phấn đấu đến năm 2020, tỷ số giới tính khi sinh xuống dưới mức 115 bé trai/100 bé gái. Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Cẩm Vân, Phó Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, cho biết: Gốc rễ của tình trạng MCBGTKS là vấn đề về văn hóa. Do đó, cần tuyên truyền, vận động bền bỉ để người dân thay đổi tập quán, thói quen, phong tục đã “ăn sâu bám rễ” từ bao đời nay. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, ngành Dân số tăng cường cung cấp thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và MCBGTKS cho người dân, nhất là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, người cung cấp dịch vụ siêu âm, người có uy tín trong cộng đồng, nhằm hạn chế các hành vi không phù hợp với việc sinh đẻ theo quy luật tự nhiên.

Hằng năm, Chi cục DS-KHHGĐ đều tổ chức các buổi tuyên truyền, tư vấn tại các xã trọng điểm về các vấn đề sức khỏe sinh sản, tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân và lồng ghép trong đó cả vấn đề MCBGTKS. Để giảm thiểu tình trạng MCBGTKS, Chi cục DS-KHHGĐ đã và đang triển khai nhiều hoạt động can thiệp tích cực. Trong đó triển khai thực hiện Đề án Giảm thiểu MCBGTKS tại 100% số xã, phường, thị trấn; tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ KHHGĐ; tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng MCBGTKS trên phạm vi toàn tỉnh; cấp kinh phí cho Trung tâm DS-KHHGĐ các huyện, thành phố làm băng-rôn tuyên truyền và phát thanh tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh địa phương; đồng thời, phối hợp với Thanh tra Sở Y tế tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế trên địa bàn…

Để thu hẹp dần sự chênh lệch giới tính khi sinh nhằm giảm thiểu những hệ lụy của MCBGTKS, đòi hỏi cần sự chung tay của cả cộng đồng trong việc chấp hành tốt các chính sách DS-KHHGĐ.