Thế giới trong tuần

 1. Trong tuần, một trong những sự kiện được quốc tế chú ý đó là sự kiện Australia tiết lộ Sách Trắng đối ngoại 2017. Cụ thể là, trong buổi thảo luận trực tuyến với Giáo sư Simon Jackman (Xai-môn Giắc-man), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Sydney, Ngoại trưởng Australia Julia Bishop (Giu-li-a Bi-sốp) đã tiết lộ một số nội dung chính của Sách Trắng đối ngoại Australia năm 2017.

Ngoại trưởng Bishop nêu rõ Sách Trắng đối ngoại sẽ vạch ra những định hướng nhằm bảo đảm lợi ích của Australia trong bối cảnh an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương đầy bất ổn. Bà Bishop cho rằng thế giới đang trong một thời điểm “khó đoán định”, có những tác động đối với kinh tế, an ninh, chính trị và thịnh vượng của Australia cũng như khu vực. Tuy nhiên, Sách Trắng đối ngoại Australia năm 2017 sẽ không đưa ra những dự đoán về tương lai, thay vào đó sẽ định hình khung chính sách can dự của Australia tại khu vực cũng như trên thế giới thông qua hệ thống đồng minh và đối tác.

Về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, Ngoại trưởng Bishop cho biết trong Sách Trắng đối ngoại, Australia không tìm cách dự báo tương lai, nhưng sẽ đề cập cách thức phản ứng của Canberra. Bà Bishop khẳng định Australia sẽ bảo vệ những lợi ích, sự thịnh vượng và các giá trị của mình ở khu vực này, đồng thời kêu gọi các nước tranh chấp tuân thủ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, cũng như các quy tắc và chuẩn mực được thiết lập sau Chiến tranh Thế giới thứ 2. Các nước đàm phán tranh chấp ở Biển Đông phải tuân thủ các nguyên tắc đó. Australia sẽ xây dựng một chính sách hợp lý để đảm bảo trong mọi tình huống, lợi ích an ninh của Australia không bị tổn hại…

Đây sẽ là lần thứ hai Australia đưa ra Sách Trắng đối ngoại sau lần thứ nhất vào năm 2003.

2.Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EU) Donald Tusk (Đô-nan Tu- xcơ) ngày 31-3 đã công bố kế hoạch sơ bộ về tiến trình đàm phán Brexit - Anh rời khỏi EU, trong đó khẳng định 27 nước thành viên đã sẵn sàng cho một thỏa thuận quá độ sau khi Anh có thể rời khỏi EU vào tháng 3-2019, song bác bỏ đề xuất của Thủ tướng Anh Theresa May (Thê-rê-xa May) về việc tiến hành đồng thời các cuộc đàm phán liên quan đến Brexit và thúc đẩy quan hệ tương lai giữa Anh và EU. 

Kế hoạch sơ bộ của Chủ tịch Hội đồng châu Âu gửi đến 27 nước thành viên nêu rõ tiến trình đàm phán về Brexit giữa Anh và EU phải đạt được “tiến bộ cụ thể” trước khi hai bên tiến hành các cuộc thương lượng xây dựng quan hệ đối tác mới trong tương lai. Tuy nhiên, trong suốt thời kỳ quá độ hướng tới việc Anh có thể rời khỏi EU trong năm 2019 và trước khi hai bên có thể đạt được thỏa thuận tự do, Anh phải tuân thủ mọi quy định của EU. Trong trường hợp Anh vẫn duy trì trạng thái là một phần của khối thị trường chung châu Âu trong một khoảng thời gian sau Brexit, London sẽ phải tuân thủ các quy định về tự do đi lại của khối... 

3.Nhà du hành vũ trụ người Mỹ Peggy Whitson (Péc-ghi Uýt-xơn) vừa lập thêm một kỷ lục thế giới khi trở thành nữ phi hành gia có thời gian đi bộ ngoài không gian lâu nhất từ trước tới nay. 

Ngày 30-3, nhà du hành vũ trụ Whitson đã thực hiện chuyến ra ngoài trong không gian thứ 8 của mình trong khoảng thời gian 7 tiếng 4 phút, “xô đổ” kỷ lục trước đó của nữ phi hành gia người Mỹ Sunita Williams (Xu-ni-ta Uy-li-am). Ngoài ra, số giờ đi bộ trong vũ trụ của bà Whitson cũng đạt kỷ lục 53 giờ 25 phút, trong khi bà Williams chỉ đạt 50 giờ 40 phút. Không dừng lại ở đó, dự kiến vào ngày 24-4 tới, nữ phi hành gia 57 tuổi này cũng sẽ lập kỷ lục về tổng thời gian sống trên vũ trụ lâu nhất của một nhà du hành vũ trụ người Mỹ - với 534 ngày…