Phát triển nông nghiệp - Nhìn từ đầu tư các công trình thủy lợi

(NTO) Từ năm 1992 đến nay, được Trung ương đầu tư nguồn vốn, tỉnh ta đã xây dựng hàng chục hồ, đập thủy lợi lớn, nhỏ. Khi đi vào hoạt động, các công trình thủy lợi luôn đảm bảo tốt việc cắt lũ, điều hòa dòng chảy đưa nước về đồng ruộng, phục vụ sản xuất, dân sinh cho người dân.

Đồng chí Phạm Văn Hường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi cho biết: Toàn tỉnh hiện có 21 hồ thủy lợi, trong đó đơn vị trực tiếp quản lý, khai thác 20 hồ, với tổng dung tích chứa trên 190 triệu m3 nước. Trong số các hồ kể trên, có nhiều hồ dung tích chứa khá lớn như: Sông Sắt gần 70 triệu m3, Sông Trâu gần 32 triệu m3, Lanh Ra gần 14 triệu m3 và Tân Giang trên 13 triệu m3 nước..., đảm bảo đủ tưới cho hơn 16.400 ha đất canh tác nông nghiệp từ 2-3 vụ/năm. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có hơn 60 hệ thống đập dâng (trong đó có 3 đập lớn: Nha Trinh, Lâm Cấm và Sông Pha), với tổng dung tích thiết kế tưới 18.500 ha, góp phần đưa diện tích gieo trồng hàng năm của tỉnh đến nay tăng lên trên 79.640 ha.

 
Hồ Sông Trâu đưa vào sử dụng góp phần đưa ngành nông nghiệp Thuận Bắc phát triển.

Nếu ngày đầu tái lập tỉnh, nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta chủ yếu lấy từ hệ thống xả của Nhà máy Thủy điện Đa Nhim qua đập Nha Trinh, Lâm Cấm và Sông Pha, chỉ đủ tưới cho khoảng 25.000 ha, thì đến nay nhờ hệ thống các hồ, đập được đầu tư xây dựng đã đưa năng lực tưới tăng lên khoảng 70.000 ha/3 vụ. Nhờ đó, trên những vùng đất hoang hóa bạc màu đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất lúa giống, bắp lai… mang lại thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng/năm. Đơn cử như ở huyện miền núi Bác Ái, trước năm 2002, sản xuất của bà con đều phụ thuộc vào nước trời nên năng suất đạt rất thấp, bình quân chỉ 2-2,5 tấn/ha, nhưng từ năm 2004 trở lại đây, khi các công trình hồ thủy lợi Sông Sắt, Trà Co… hoàn thành đưa vào sử dụng thì đời sống của người dân các xã được hưởng lợi nguồn nước như: Phước Đại, Phước Tiến, Phước Chính, Phước Thắng... đã đổi thay rất nhiều, đặc biệt năng suất của 2 loại cây trồng chủ lực (bắp, lúa) đã tăng lên từ 5-6 tấn/ha và diện tích đất canh tác đã tăng gấp 3 lần so với ngày đầu tái lập huyện. Đồng chí Mẫu Thái Phương, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái chia sẻ: Nhờ hệ thống thủy lợi được đầu tư đồng bộ, đến nay nhiều diện tích đất bỏ hoang ở địa phương đã được bà con cải tạo thành đồng ruộng sản xuất lúa nước, trồng cây ăn trái, phát triển trang trại chăn nuôi…, trên cơ sở ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, giúp nông dân tăng thu nhập, thoát nghèo trên chính đồng đất của mình.

Không riêng gì ở vùng đầu nguồn Bác Ái, tại các huyện đồng bằng Ninh Phước, Thuận Bắc, Ninh Hải, ước mơ ngăn dòng, cắt lũ để phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh của bà con cũng đã trở thành hiện thực. Có nguồn nước tưới, những khu vực khô hạn trước đây giờ phủ đầy màu xanh của các loại cây trồng. Đồng chí Nguyễn Dâng Tuyển, Bí Thư Huyện ủy Thuận Bắc nhìn nhận: Dấu ấn để nông nghiệp Thuận Bắc phát triển theo hướng bền vững là nhờ Nhà nước đã đầu tư xây dựng một số hệ thống hồ thủy lợi lớn như Sông Trâu, Bà Râu... Với dung tích chứa trên 36 triệu m3 nước, các công trình thủy lợi này đã góp phần nâng diện tích gieo trồng chủ động nước của địa phương đến nay lên 3.490 ha, chiếm hơn 50,55% diện tích sản xuất toàn huyện.

Xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) kiên cố hóa kênh mương phục vụ sản xuất, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Nhìn lại chặng đường sau 25 năm tái lập tỉnh có thể nói, tỉnh ta đã cơ bản giải quyết được bài toán về nước. Những dòng nước mát từ các công trình hồ, đập thủy lợi đang góp phần làm thay đổi toàn bộ diện mạo của các vùng quê trong tỉnh. Để chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân hiệu quả, hiện nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi của tỉnh đến năm 2020. Theo đó, trong những năm tới ngành nông nghiệp sẽ đầu tư xây dựng mới thêm 5 công trình hồ chứa nằm trên địa bàn các huyện: Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Phước, Thuận Bắc, với năng lực tưới thiết kế 9.676 ha. Cùng với đó, ngành nông nghiệp sẽ thực hiện tu sửa, nâng cấp khoảng 10 hồ, đập thủy lợi nhỏ trên địa bàn một số huyện, thành phố; sửa chữa, nâng cấp 8 công trình tiêu nước (tổng chiều dài 40.990 m) và sửa chữa, nâng cấp 5 công trình phòng chống lũ ở các vùng Đầm Vua, Đông Hải, Cà Ná... Phấn đấu đến năm 2020 đưa năng lực tưới theo thiết kế lên 47.703 ha, tăng 13.975 ha so với năm 2015. Trong các dự án kể trên, đáng chú ý là công trình thủy lợi Đập dâng Tân Mỹ. Đây là hợp phần nằm trong Dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, nối 2 bờ sông Cái, với chiều dài 182 m, có hệ thống kênh tưới chính dài 36,5km và 40 kênh nhánh cấp 1 tổng chiều dài khoảng 67 km, tổng mức đầu tư gần 3.000 tỷ đồng. Khi đưa vào sử dụng, công trình có sức chứa tương đương 20 hồ thủy lợi hiện tại của tỉnh ta, nên được xem là công trình thủy lợi trọng điểm mang dấu ấn, góp phần đưa sản xuất nông nghiệp ngày một phát triển.