Ngành Khoa học và Công nghệ: 25 năm đồng hành xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội tỉnh

(NTO) Qua 25 năm từ ngày tái lập tỉnh đến nay, ngành Khoa học và Công nghệ (KH&CN) từ những ngày đầu còn nhiều khó khăn, thử thách, đến nay đã từng bước trưởng thành và phát triển.

Đồng chí Lê Kim Hùng
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ

Từ một Ban Khoa học kỹ thuật, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh với 3 cán bộ, công chức, đến nay đã phát triển thành Sở KH&CN, cơ quan chuyên môn có chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về KH&CN. Sở có 3 đơn vị trực thuộc là Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Trung tâm Thông tin-Ứng dụng tiến bộ KH&CN và Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng; tổng số công chức, viên chức, người lao động có 64 người, trong đó có 9 thạc sĩ, 44 đại học, cao đẳng. Tính đến nay, đã có 18 tổ chức hoạt động KH&CN, với tổng số nhân lực là 1.007 người, trong đó có 14 tiến sĩ, 88 thạc sĩ, 729 đại học, cao đẳng; đã tổ chức hợp tác, liên kết thành hệ thống gồm 42 viện nghiên cứu, trường đại học và trung tâm nghiên cứu khoa học, với hơn 184 chuyên gia khoa học có uy tín trong nước; trong đó có 26 giáo sư, phó giáo sư và 50 tiến sĩ.

 
Sở Khoa học& Công nghệ hỗ trợ nông dân thực hiện mô hình trồng cây măng tây xanh
đem lại hiệu quả kinh tế cao ở xã An Hải (Ninh Phước). Ảnh: Sơn Ngọc

25 năm qua, toàn tỉnh đã có 285 đề tài, dự án được triển khai với tổng kinh phí đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước là 114 tỷ đồng, bàn giao 163 kết quả đề tài, dự án cho các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị trong tỉnh có nhu cầu phục vụ công tác quản lý, ứng dụng vào sản xuất và đời sống. Các nhiệm vụ KH&CN ngày càng tập trung phục vụ trực tiếp hơn cho các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, như: Lĩnh vực xã hội và nhân văn tập trung vào cung cấp luận cứ khoa học phục vụ công tác chỉ đạo, hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế-xã hội-văn hóa của tỉnh, điển hình như mô hình xã hội học tập, quản lý du lịch cộng đồng, năng lực cạnh tranh du lịch, nâng cao năng lực thoát nghèo bền vững, giải pháp thu hút đầu tư, nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa, lịch sử Chăm và Raglai ở tỉnh Ninh Thuận… Nhiều kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên đã đóng vai trò quan trọng trong quản lý và quy hoạch phát triển địa phương như: Nghiên cứu cân bằng nước và giải pháp cấp nước; hệ thống quan trắc môi trường đất, nước, không khí; giải pháp bảo tồn hệ sinh thái biển; đánh giá tác động của việc khai thác quặng Titan; giải pháp giảm thiểu những tác động nhiễm mặn tại đồng muối Quán Thẻ... Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tập trung nghiên cứu đa dạng hóa cơ cấu về giống cây trồng vật nuôi, tạo ra các loại giống thủy sản nhân tạo mới như ghẹ xanh, cua xanh, hàu đầm Nại, hàu Thái Bình Dương, rong biển, giống mía mới, giống mỳ mới, giống nho ăn tươi (NH01-48, NH01-152), bò lai F1 giữa bò tót và bò nhà... góp phần hình thành tại tỉnh những vùng sản xuất như lúa giống sản lượng 10-12 ngàn tấn/năm, tôm giống 20-24 tỷ con/năm, rong biển khoảng hơn 300 ha, sản lượng hàng chục ngàn tấn/năm... Phát triển, nhân rộng các hình thức canh tác áp dụng kỹ thuật mới như sản xuất nấm, rau sạch, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm (đã nhân rộng 250 ha); mô hình sản xuất lúa theo quy trình “1 phải, 5 giảm” đã nhân rộng lên đến 8.000 ha; mô hình ứng dụng VietGAP trên cây nho, cây rau của tỉnh... Lĩnh vực kỹ thuật-công nghệ góp phần chuyển giao cho nhiều doanh nghiệp ứng dụng thành công như chế phẩm vi sinh vật cho Công ty TNHH XD-TM&SX Nam Thành; kỹ thuật bảo quản nho, chế biến vang nho cho doanh nghiệp Ba Mọi; rượu Brandy từ nho tại Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố; hoạt chất Azadirachtin limonoid từ cây neem, chế phẩm sinh học EM, sản phẩm thực phẩm từ rong sụn… Các nghiên cứu ứng dụng hệ thống GIS quản lý tài nguyên khoáng sản, cân bằng nước; phần mềm dự báo, cảnh báo thiên tai; thiết kế hệ thống kho dữ liệu số và trao đổi dữ liệu phục vụ chỉ đạo điều hành tỉnh Ninh Thuận... Lĩnh vực khoa học y-dược, đã nghiên cứu xây dựng nhiều chương trình phòng trị, góp phần đắc lực cho ngành Y tế chỉ đạo trong việc hạn chế tỷ lệ mắc bệnh ở tỉnh như nghiên cứu về thiếu men Glucose-6-Phosphate dehydrogenase (G6PD) ở trẻ sơ sinh; ung thư cổ tử cung ở phụ nữ; nhiễm giun truyền qua đất, giun móc...

 
Mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa được nông dân nhân rộng. Ảnh:TL

Hợp tác quốc tế với UNEP triển khai các dự án bảo vệ tài nguyên rạn san hô vùng biển ven bờ huyện Ninh Hải; dự án bảo tồn cây thuốc truyền thống dân tộc Chăm, dự án ứng dụng đèn LED trong đánh bắt thủy, hải sản do UNDP-GEF SGP tài trợ; dự án sản xuất thức ăn chăn nuôi và nhiên liệu sinh học do Đại học Liège (Vương quốc Bỉ) tài trợ; tổ chức nhiều Hội thảo khoa học về lai tạo giữa bò rừng và bò nhà, trồng nho và sản xuất vang nho, sử dụng bentonite và công nghệ nano để giảm thiểu tác hại, ảnh hưởng của hạn hán với sự tham gia của các chuyên gia từ Pháp, Đức, Nhật, Thái Lan, Nga, Bỉ…

Hoạt động tiêu chuẩn, đo lường chất lượng đã cập nhật và bổ sung 1.239 tiêu chuẩn quốc gia trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; tiếp nhận và cấp 1.309 hồ sơ công bố tiêu chuẩn chất lượng; triển khai tại 116 cơ quan, cơ quan hành chính xây dựng và áp dụng hệ thống chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008; kiểm định, hiệu chuẩn và thử nghiệm 177.431 phương tiện đo và chuẩn đo lường các loại.

Hoạt động quản lý sở hữu trí tuệ, đã hướng dẫn cho hàng trăm lượt doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước; tổ chức triển khai các dự án tuyên truyền, xây dựng và quảng bá các sản phẩm đặc thù của tỉnh; đã xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm “Nho Ninh Thuận”, “Thịt Cừu Ninh Thuận”; nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm gốm Bàu Trúc, thổ cẩm Mỹ Nghiệp, măng khô Bác Ái, heo đen Bác Ái, rau an toàn Văn Hải, táo Ninh Thuận, tỏi Phan Rang...; nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm như: nước mắm Cà Ná; dê, tôm giống; du lịch Ninh Thuận... Quản lý công nghệ đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 32/2012/CT-UBND về việc tăng cường công tác thẩm tra công nghệ các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng thẩm tra công nghệ 10 dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh nhằm ngăn chặn có hiệu quả việc nhập công nghệ lạc hậu, công nghệ gây nguy hại đến sức khỏe con người, tài nguyên, môi trường, ảnh hưởng phát triển kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh; triển khai các biện pháp quản lý, đảm bảo vận hành an toàn 18 cơ sở bức xạ toàn tỉnh, gồm: 1 cơ sở có lưu giữ nguồn Cs-137 và 17 cơ sở sử dụng máy X-Quang y tế, với 36/40 máy đang hoạt động.

Định hướng phát triển KH&CN của tỉnh từ nay đến năm 2020: Bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh giai đoạn 2016-2020 để tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 và những năm tiếp theo. Cụ thể, tập trung triển khai đạt hiệu quả Chương trình hành động số 175-Ctr/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 08/2015/NQ-HĐND ngày 20-7-2015 của HĐND tỉnh về Quy định chế độ hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 72/2016/NQ-HĐND ngày 19-12-2016 của HĐND tỉnh về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016-2020. Tăng cường ứng dụng tiến bộ KH&CN vào việc nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa trong tỉnh. Ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Nghiên cứu, chuyển giao các loại giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hoàn thiện quy trình công nghệ, kỹ thuật canh tác, phân bón, bảo vệ thực vật, sơ chế bảo quản sau thu hoạch, công nghệ chế biến các loại nông sản đặc thù của tỉnh. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản và liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm hàng hóa có tỷ trọng giá trị gia tăng cao. Thực hiện thí điểm chuyển đổi mô hình tổ chức, quản lý KH&CN của tỉnh theo cách tiếp cận hệ thống đổi mới, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, tạo điều kiện hình thành 2-3 doanh nghiệp KH&CN. Nâng cao hiệu quả hoạt động sở hữu trí tuệ và hỗ trợ phát triển sản phẩm đặc thù của tỉnh. Đổi mới hoạt động của đơn vị sự nghiệp KH&CN công lập và tổ chức KH&CN công lập theo cơ chế tự chủ. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn của Trung ương, tỉnh và các nguồn xã hội hóa để bảo đảm tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển KH&CN. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước.