Màu xanh bên dải núi Hòn Đỏ

Nguồn thu từ các loại cây trồng ngắn hạn và mô hình nuôi gà, cá mỗi năm, Nguyễn Việt Toàn thu về gần 30 triệu đồng.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Liên Sơn 2, xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước, chàng thanh niên Nguyễn Việt Toàn luôn trăn trở trước cái nghèo của người dân quê mình. Vì thế, tốt nghiệp Đại học Luật Tp.Hồ Chí Minh, nhưng Toàn quyết chí trở về quê bám đất làm ăn. Qua hơn 2 năm lăn lộn với nắng gió để phục hóa vùng đất hoang bên dải núi Hòn Đỏ, đến nay Nguyễn Việt Toàn đã có một cơ ngơi với 1ha cây cao su, hơn 3ha đất vườn trồng chuối, bắp xen kẻ các loại cây lâu năm và cây ăn trái, kết hợp với chăn nuôi gà.

Đến thăm mô hình kinh tế của Toàn vào đầu tháng 12, nghe anh kể chuyện ngày đầu vỡ hoang lập vườn mới thấy được ý chí của chàng thanh niên 27 tuổi này. Toàn tâm sự: Ngày mới lên đây, khu đất này là rừng hoang vu, đất đá lởm chởm. Nhưng ý tưởng duy nhất để mình quyết tâm biến thành vườn cây ăn trái như hiện nay đó là nhờ có hệ thống thủy lợi Nha Trinh nằm cách đó 500m, có thể bơm nước đẩy lên tưới cho vùng đất bạc màu. Từ sự tin tưởng có nước là cây trồng nào cũng sống được, năm 2008 Nguyễn Việt Toàn mạnh dạn đầu tư 120 triệu đồng để cải tạo đất, làm bờ rào, rồi mua cây giống về trồng. Hiện tại ngoài 1ha dành trồng cây cao su, hơn 3ha đất còn lại Toàn đầu tư trồng 200 cây chanh, 200 cây ổi, 200 cây xoài, 2.500 cây chuối xen kẻ với các loại cây lâu năm như dầu rái, sao, dó bầu,... mỗi loại 30 cây.

Nguyễn Việt Toàn (thứ 2 từ phải sang) giới thiệu mô hình kinh tế vườn của mình với Đoàn công tác Trung ương Đoàn trong chuyến về thăm và làm việc tại tỉnh ta vào tháng 10 vừa qua.

Theo lý giải, hiệu quả kinh tế từ đất rừng phải tính từ 5 đến 10 năm, vì thế Nguyễn Việt Toàn đang thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Tận dụng khi các loại cây trồng như chuối, ổi, xoài chưa lên cao, Toàn trồng xen kẻ thêm các loại cây ngắn ngày như bắp, hành... để vừa giữ được độ ẩm cho đất vừa tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Khi thu nhập từ vườn đã đảm bảo được đời sống, Nguyễn Việt Toàn bắt đầu nghĩ đến chuyện chăn nuôi. Từ chỗ nuôi vài con gà mái đẻ, đến nay đã phát triển đàn gà của mình lên hơn 100 con. Bên cạnh đó anh còn đào 1 ao rộng 2 sào vừa dùng lấy nước tưới cho khu vườn, vừa thả thêm cá. Nguồn thu từ các loại cây trồng ngắn hạn và mô hình nuôi gà, cá mỗi năm, Nguyễn Việt Toàn thu về gần 30 triệu đồng.

Khi được hỏi về hướng phát triển trong thời gian tới, anh cho biết: Lợi thế của địa phương là phát triển nông lâm nghiệp, nên sắp đến sẽ thử nghiệm trồng một số loại cây như: Lát, sưa… đồng thời đầu tư vốn nuôi thêm khoảng chục con bò để tận dụng nguồn thức ăn từ các loại cây trồng phụ. Nếu thành công thì khoảng 5 đến 6 năm nữa nguồn thu nhập sẽ tăng lên từ 4 đến 5 lần.

Chia tay với Nguyễn Việt Toàn, nhìn vườn cây đang thời kỳ phát triển, tôi thầm nghĩ chỉ thời gian ngắn nữa, khu vườn của anh lại cho bội thu với nhiều loại cây ăn qủa có giá trị. Tuy không còn mới mẽ, nhưng mô hình trồng vườn bài bản như Nguyễn Việt Toàn cũng đáng để cho nhiều thanh niên học hỏi làm theo.