Hạ tầng thủy lợi tạo động lực phát triển sản xuất nông nghiệp

(NTO) Tỉnh ta có khí hậu khô nóng, lượng mưa trung bình hằng năm thấp nhất cả nước, lượng bốc hơi lại nhanh nên đã gây ra tình trạng thiếu nước ở nhiều vùng trong tỉnh. Do đó, hệ thống thủy lợi đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, kể cả đời sống, sinh hoạt của người dân trong tỉnh. Từ những kênh mương và hồ đập, dòng nước đã tưới mát những cánh đồng, nương rẫy, mang lại màu xanh tốt tươi cho cây trái.

 Năm 1992 khi tái lập tỉnh, cả tỉnh ta chỉ có vỏn vẹn hồ chứa nước Suối Lớn (xây dựng năm 1990) ở huyện Ninh Phước, dung tích 1,1 triệu m3, tưới cho diện tích 200 ha và hồ Thành Sơn (xây dựng năm 1991) tại huyện Ninh Hải, dung tích chứa 1,1 triệu m3 nước, phục vụ tưới 250 ha. Năm 1996, tỉnh ta có thêm hồ CK 7 hoàn thành xây dựng với dung tích 1,43 triệu m3 tưới cho diện tích 250 ha ở xã Nhị Hà (Ninh Phước, nay thuộc huyện Thuận Nam); năm 1999, hoàn thành xây dựng hồ Ông Kinh có dung tích chứa 830 ngàn m3 nước tưới cho diện tích 170 ha ở xã Nhơn Hải (Ninh Hải). Như vậy cho đến năm 2000, tỉnh ta chỉ mới có 4 hồ chứa nước nhỏ, với tổng dung tích hữu ích 6,31 triệu m3 tưới cho diện tích 720 ha. Nhưng cũng từ đây, nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp và từng bước phục vụ phát triển tổng thể kinh tế-xã hội, hàng loạt hồ chứa nước được xây dựng, tính đến năm 2011 toàn tỉnh có tổng số 16 hồ chứa vừa và nhỏ, với tổng dung tích 146,72 triệu m3.

Hồ Sông Trâu. Ảnh:VM

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh ta tiếp tục hoàn thành đưa vào sử dụng 8 hồ chứa nước, nâng tổng dung tích thiết kế các hồ thuộc địa bàn tỉnh lên 215,81 triệu m3, với diện tích tưới thiết kế tăng thêm 5.579 ha, nâng năng lực tưới toàn tỉnh đạt 49,7% diện tích đất nông nghiệp. Cũng trong giai đoạn này, tỉnh ta đã xây dựng và kiên cố hóa 200,75 km kênh mương, trong đó có 92,6 km kênh mương cấp 1, 78,72 km kênh mương cấp 2 và 29,67 km kênh mương cấp 3. Nhờ tập trung đầu tư về thủy lợi đã góp phần tăng nhanh diện tích gieo trồng cây hằng năm, ước toàn tỉnh có thêm hơn 44,15 ngàn ha so giai đoạn trước. Ngoài ra, thủy lợi còn cung cấp nước uống cho chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản, hạn chế việc sử dụng nước ngầm tại các vùng đìa nuôi tôm ven biển.

Ngày nay, không kể hồ Đơn Dương (Lâm Đồng) có dung tích chứa 165,6 triệu m3, nhìn ở phạm vi quản lý và khai thác của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, cùng với các hệ thống thủy nông Nha Trinh-Lâm Cấm, hệ thống thủy lợi Sông Pha, toàn tỉnh hiện có 20 hồ chứa nước phục vụ cho sinh hoạt và tưới tiêu cho nông nghiệp với dung tích chứa theo thiết kế 193 triệu m3, trong đó có các hồ lớn như: Sông Trâu (dung tích chứa 31,53 triệu m3), Tân Giang (13,39 triệu m3), Sông Biêu (23 triệu m3) và Sông Sắt (69,33 triệu m3). Ngoài ra, còn có khoảng 80 công trình đập dâng lớn, nhỏ, theo thiết kế phục vụ tưới cho tổng diện tích trên 18.000 ha. Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đang quản lý và khai thác hệ thống kênh mương dài 855,79 km, trong đó kênh chính (cấp 1) dài 702,53 km và kênh cấp 2 dài 153,26 km; hiện đã có 556 km được kiên cố hóa (chiếm 65%) với tổng diện tích tưới cho 3 vụ trong năm là 75.000 ha.

Kiên cố hóa kênh chính Bắc. Ảnh:Hoàng Trung

Nhờ hệ thống thủy lợi, đến nay, diện tích đất nông nghiệp được tưới đã từ 36.389 ha vào năm 2005 tăng lên 74.777 ha trong năm 2016. Vai trò thủy lợi có thể thấy rõ tại Thuận Bắc, vốn là huyện trọng điểm thường chịu tác hại của hạn hán. Từ khi có hệ thống thủy lợi hồ Sông Trâu, Thuận Bắc đã có khoảng 2.500 ha đất canh tác được phục vụ tưới, năm 2011 hồ chứa nước Bà Râu có dung tích gần 4,5 triệu m3 hoàn thành đã bảo đảm cung cấp nước tưới cho thêm 300 ha đất sản xuất. Ở Ninh Phước, ngoài một số hồ chứa xây trước đó, từ giữa năm 2012, hồ chứa nước Lanh Ra với dung tích gần 14 triệu m3 được chính thức đưa vào sử dụng, công trình còn có hệ thống dẫn nước kênh cấp 1 và kênh cấp 2 phục vụ tưới hơn 1.700 ha đất nông nghiệp trên địa bàn xã Phước Vinh, giúp người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng hiệu quả.

Nông dân huyệnThuận Bắc sử dụng máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa.
Ảnh:VM

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh ta phấn đấu hoàn thành hồ sông Than, hồ sông Cái và đập Tân Mỹ, hồ Tân Giang II, hồ Ô Căm, Kiền Kiền, đập hạ lưu sông Dinh… đưa dung tích các hồ chứa tăng thêm 292,5 triệu m3 (tổng dung tích các hồ trong tỉnh đạt 508,3 triệu m3), năng lực tưới tăng thêm 7.935 ha. Đồng thời, đầu tư các hệ thống kênh mương cấp 2, cấp 3 (tại các khu vực tưới các hồ sông Biêu, Lanh Ra và các khu vực tưới hồ chứa đang và sẽ xây dựng), điều tiết nước giữa các hồ chứa và hệ thống kênh mương để nâng cao hiệu quả sử dụng, phấn đấu năng lực tưới đến năm 2020 đạt 60% diện tích đất nông nghiệp.

Với việc tập trung đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, tỉnh ta đang tạo động lực cho phát triển sản xuất nông nghiệp, coi đó là biện pháp hàng đầu nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện từng vùng, gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là thúc đẩy đầu tư phát triển một số vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao.