Thuận Bắc: Trên đường đổi mới

(NTO) Từ một huyện nghèo, qua chặng đường 12 năm xây dựng và phát triển, Thuận Bắc đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào, dần trở thành trung tâm kinh tế phía Bắc của tỉnh.

 Ngày đầu tái lập huyện (năm 2005), Thuận Bắc gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, lên tới trên 40%. Trước thực trạng đó, huyện đã đề ra nhiều chương trình hành động có hiệu quả. Thành tích nổi bật đầu tiên là lĩnh vực nông nghiệp có nhiều khởi sắc. Từ chú trọng đầu tư các công trình thủy lợi, đã mở mang diện tích đất sản xuất lên khoảng 11.000 ha, tăng gấp 4 lần so với thời gian đầu tái lập. Nhờ chủ động trong công tác chống hạn, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích nghi với điều kiện khí hậu nắng nóng, nên năng suất và sản lượng sản phẩm không ngừng tăng. Trên tinh thần cầu thị, lắng nghe, Thuận Bắc đã tranh thủ được các ý kiến đóng góp tâm huyết cho phát triển. Huyện “dang rộng cánh tay” mời gọi doanh nghiệp đến đầu tư Dự án Trồng cỏ nuôi bò sữa, bò thịt công nghệ cao ở xã Bắc Phong, quy mô 300 ha, làm “đòn bẩy” cho nền nông nghiệp bền vững, sản xuất theo chuỗi giá trị .

Giờ vui chơi của trẻ tại Trường Mẫu giáo Bắc Sơn ( Thuận Bắc).Ảnh: DA

Từ một huyện thuần nông, Thuận Bắc đã có bước phát triển vượt bậc, cơ cấu ngành kinh tế đang có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp. Với điểm xuất phát “trắng” về công nghiệp, thì đến nay lĩnh vực này tỷ trọng chiếm 52,74%. Nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy được hình thành, sản xuất ổn định. Hoạt động hiệu quả của Nhà máy xi măng Luks, Nhà máy Chế biến đá Granite, Nhà máy rau câu Sơn Hải... có đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương. Một số lĩnh vực mới dần hình thành như hoạt động du lịch sinh thái hứa hẹn tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.

Nông dân huyện Thuận Bắc chăm sóc cây hành. Ảnh: TL

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III, nhiệm kỳ 2015-2020, Thuận Bắc đang nỗ lực khai thác tiềm năng, thế mạnh phấn đấu xây dựng huyện thành trung tâm kinh tế phía Bắc của tỉnh. Để hướng tới đạt mục tiêu giá trị sản xuất các ngành tăng bình quân hằng năm 15-16%; thu ngân sách đạt trên 30 tỷ đồng; tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 5.000 tỷ đồng trong giai đoạn này, Huyện ủy, UBND huyện đã chủ động đề ra các giải pháp, chỉ đạo, điều hành kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Bằng những việc làm cụ thể như khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao đảm bảo bình đẳng trong tiếp cận đất đai, nguồn vốn, huyện thu hút được một số doanh nghiệp đến hợp tác làm ăn lâu dài.

Phát triển đàn dê tại thôn Láng Me (xã Bắc Sơn, Thuận Bắc).
Ảnh: A.Sơn

Hiện nay, trên địa bàn có 11 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và đang triển khai thực hiện, với tổng vốn đăng ký gần 11.500 tỷ đồng. Nổi bật là Dự án Nhà máy Điện gió Trung Nam, khỏi công vào ngày 27-8-2016 tại xã Lợi Hải và Bắc Phong, có tổng công suất 90 MW, với tổng mức đầu tư 3.965 tỷ đồng. Trước đó, ngày 19-5-2014, Dự án Nhà máy Điện gió Công Hải cũng đã được “động thổ” xây dựng. Khi hoàn thành, các nhà máy sẽ cung cấp thêm nguồn điện ổn định phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, góp phần xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước. Có thể nói, tiềm năng, lợi thế của Thuận Bắc là rất lớn, trong đó có thể phát triển ở một số lĩnh vực đưa lại nguồn thu lớn mà nhiều nơi khác không sánh được như du lịch, dịch vụ. Dự án Resort Ganesa Phước Chiến, Khu Du lịch Bình Tiên… là “điểm nhấn” để địa phương phát triển ngành công nghiệp “không khói”.

Trong niềm phấn khởi trên bước đường phát triển trong tương lai, đồng chí Lê Kim Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc, vui vẻ cho biết: So với năm 2010, hiện nay, Thuận Bắc có nhiều chuyển biến tích cực, giá trị sản xuất và tổng mức đầu tư toàn xã hội tăng gấp nhiều lần. Đạt được kết quả trên, đó là nhờ có sự quan tâm đúng mức của Trung ương, tỉnh, trong việc kêu gọi đầu tư, triển khai xây dựng các công trình, dự án và sự nỗ lực vươn lên của cấp ủy, chính quyền, toàn thể nhân dân trong huyện. Định hướng phát triển kinh tế-xã hội của huyện trong thời gian tới là nâng cao chất lượng tăng trưởng và chuyển dịch nhanh nền kinh tế theo hướng “Công nghiệp, xây dựng-du lịch, dịch vụ-nông, lâm, thủy sản”. Để đạt được mục tiêu, huyện đưa ra các giải pháp thực hiện mang tính đồng bộ; trong đó, chú trọng công tác quy hoạch đảm bảo phù hợp thực tế; thực hiện các cơ chế chính sách đặc thù, nhất là chính sách đất đai, tín dụng ưu tiên doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao.