Xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ hội nhập

(NTO) Sau ngày đất nước thống nhất, với niềm tin tuyệt đối vào Đảng, cùng với các tầng lớp nhân dân, giai cấp công nhân tỉnh nhà tiếp tục phát huy vai trò tiền phong cách mạng, đoàn kết, thi đua, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đặc biệt từ khi tỉnh nhà được tái lập (tháng 4-1992), đội ngũ công nhân, viên chức, lao động (CNVC-LĐ) càng quyết tâm, hăng hái thi đua lao động, sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, kết cấu hạ tầng…, qua đó gặt hái được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng quê hương.

Những ngày đầu tái lập, nền kinh tế tỉnh nhà đối mặt muôn vàn khó khăn: Sản xuất chậm phát triển, thị trường nhỏ lẻ, cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị, công nghệ lạc hậu. Đội ngũ CNVC-LĐ có khoảng 10.000 người, trong đó CNLĐ chiếm khoảng 50%, đa số xuất thân từ nông dân, trình độ khoa học-kỹ thuật, tay nghề còn thấp, tác phong công nghiệp hạn chế… Nhận thức sâu sắc những khó khăn, thách thức, tại Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ V, nhiệm kỳ 1993-1998 xác định mục tiêu hoạt động: “Vì lợi ích của CNVC-LĐ và sự lớn mạnh của giai cấp CN; vì sự ổn định và phát triển của Ninh Thuận và của cả nước, tăng cường đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn”.

Công nhân Công ty TNHH May Tiến Thuận vào ca sản xuất.

Trên tinh thần đó, tại các cơ quan, đơn vị, công đoàn cùng chính quyền đề ra biện pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tiết kiệm, hạ giá thành sản phẩm, tạo việc làm, nâng cao đời sống NLĐ. Nhiều phong trào thi đua được phát động rầm rộ, được đông đảo CNVC-LĐ nhiệt tình hưởng ứng, tạo sức thi đua lan tỏa rộng rãi. Điển hình như trong các đơn vị sản xuất, kinh doanh nổi lên phong trào “Năng suất, chất lượng, hiệu quả”; ngành Giáo dục có phong trào thi đua “Dạy tốt và học tốt”, “Kỷ cương-tình thương-trách nhiệm”; ngành Y tế có phong trào “Nâng cao y đức”; phong trào “Liên kết phục vụ nông nghiệp, phát triển nông thôn” của ngành nông-lâm, thủy sản; “Nữ kiểm ngân giỏi” của ngành Kho bạc, Ngân hàng; “Mậu dịch viên duyên dáng thanh lịch” của ngành Thương mại-Du lịch… Từ các phong trào đã kích thích tinh thần lao động sáng tạo, góp phần quan trọng trong việc giáo dục đạo đức, phẩm chất, lối sống mới xã hội chủ nghĩa làm động lực cho NLĐ đóng góp sức mình, công tác ngày càng hiệu quả, cùng cả tỉnh từng bước vượt qua khó khăn trong giai đoạn đầu tái lập. Kết quả, từ năm 1993-1998, tổng sản phẩm nội tỉnh tăng bình quân hằng năm 8,8%. Riêng trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đã đóng góp vào ngân sách nhà nước từ 18-20%/tổng thu ngân sách toàn tỉnh.

Trên con đường đổi mới, Đảng, Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt, đề ra các chủ trương, đường lối, chính sách xây dựng giai cấp CN, đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế. Ý chí, quyết tâm, mục tiêu này được thể hiện rõ tại Nghị quyết số 26-NQ/TU ngày 5-9-2003 “Về xây dựng đội ngũ CNVC-LĐ Ninh Thuận thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2003-2010”, với tiêu chí xây dựng đội ngũ CNVC-LĐ phải coi trọng phát triển cả số lượng và chất lượng, bồi dưỡng lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống phải đi đôi với việc không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề. Công tác thi đua-khen thưởng cũng không ngừng được đổi mới về cả nội dung và phương thức, nhờ đó đã phát huy tối đa hiệu quả. Thông qua các phong trào “Lao động giỏi với năng suất, chất lượng, hiệu quả, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”, “Học tập nâng cao trình độ mọi mặt đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”; “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống các biểu hiện tiêu cực, sách nhiễu, phiền hà, làm trái pháp luật, chống các tệ nạn xã hội”, đã có hàng ngàn công trình, sản phẩm, sáng kiến kinh nghiệm ra đời góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu suất công tác, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, hạ giá thành sản phẩm, làm lợi cho Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng, giúp các doanh nghiệp tạo thế chủ động, tăng sức cạnh tranh trên thương trường. Điển hình như công trình hồ Sông Sắt có dung tích 69 triệu m3, cung cấp nước tưới cho 3.800 ha đất nông nghiệp và phục vụ nước sinh hoạt, chăn nuôi cho đồng bào các dân tộc huyện Bác Ái; công trình nâng cấp hệ thống cấp nước Tp. Phan Rang-Tháp Chàm cung cấp nước sạch cho 300.000 dân thành phố và các huyện lân cận; Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa-Phan Rang đã cải tiến thiết bị từ công suất 500 tấn/ngày lên 1.000 tấn mía/ngày, Công ty TNHH May Tiến Thuận ứng dụng công nghệ LEAN vào sản suất, nâng cao chất lượng, năng suất sản phẩm… Đội ngũ CNVC-LĐ không ngừng phát triển về số lượng, nâng cao về trình độ, chất lượng, đa dạng về cơ cấu. Cuối năm 1997, đội ngũ CNVC-LĐ đã phát triển lên 24.000 người, chiếm 4,55% dân số; hiện tăng lên gần 65.000 người. Trong đó, số người có trình độ học vấn THPT ở khu vực hành chính sự nghiệp chiếm 90%, khu vực sản xuất, kinh doanh chiếm 60%. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao đẳng, đại học ở khu vực hành chính sự nghiệp chiếm trên 60%, khu vực sản xuất, kinh doanh chiếm 20%; phần lớn CNLĐ trực tiếp có tay nghề bậc 4, bậc 5; từ bậc 6 trở lên chiếm khoảng 5%, cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu trong thời kỳ đổi mới. Tình hình việc làm, thu nhập, đời sống của CNVC-LĐ ngày càng cải thiện, nâng cao.

Công nhân Công ty TNHH XD-TM&SX Nam Thành làm vệ sinh tuyến đường Yên Ninh
(Tp.Phan Rang-Tháp Chàm).Ảnh:TL

Đồng hành với phong trào CN, tổ chức công đoàn cũng không ngừng phát triển, vững mạnh. Năm 1992, Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh được tách ra từ LĐLĐ tỉnh Thuận Hải (cũ) gồm 7 đồng chí. Toàn tỉnh có 2 đơn vị công đoàn ngành: Y tế và Giáo dục; 3 LĐLĐ huyện: Ninh Hải, Ninh Phước, Ninh Sơn và LĐLĐ thị xã Phan Rang-Tháp Chàm, với tổng số 288 công đoàn cơ sở, trên 7.000 đoàn viên công đoàn, thì đến nay toàn tỉnh có 7 công đoàn huyện, thành phố và 4 Công đoàn ngành: Y tế, Giáo dục, Công đoàn Viên chức, Công đoàn các khu Công nghiệp, với 728 CĐCS, gần 30.000 công đoàn viên. LĐLĐ tỉnh không ngừng đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động, trong đó đặc biệt làm tốt nhiệm vụ tham gia giám sát việc thực hiện quy định pháp luật lao động, dân chủ ở cơ sở, xây dựng mối quan hệ hài hòa lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức các hoạt động nhân đạo, từ thiện, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục-thể thao, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, thực sự đã trở thành chỗ dựa vững chắc của NLĐ.

Đồng chí Kiều Đình Minh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: Thời gian tới, công đoàn các cấp tiếp tục bám sát sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, thường xuyên quan tâm, xây dựng và phát triển đội ngũ CNLĐ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời, chú trọng từng bước đổi mới về tổ chức, phương thức và nội dung hoạt động nhằm thích ứng với cơ chế mới, nâng cao vai trò đại diện và chức năng tổ chức, giáo dục, động viên, phát huy vai trò tiền phong của CNLĐ, đáp ứng tốt yêu cầu trong thời kỳ hội nhập, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng quê hương giàu mạnh.