Trường chính trị tỉnh Ninh Thuận: 25 hình thành và phát triển

(NTO) Tháng 5-1995, Trường Chính trị tỉnh được thành lập trên cơ sở Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ tỉnh. Hiện nay, tổng số cán bộ, công chức, viên chức của trường có 39 người, trong đó có 1 giảng viên có trình độ tiến sỹ, 11 giảng viên có trình độ thạc sỹ, 1 giảng viên cao cấp và 5 giảng viên chính.

Trong 25 năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã lãnh đạo xây dựng khối đoàn kết, thống nhất, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, giảng viên trong nhà trường, nhằm hoàn thành tốt những nhiệm vụ chính trị được giao, nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cho tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Bắc Việt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy
trao giấy chứng nhận hoàn thành khóa học lớp Cao cấp Lý luận chính trị, niên khóa 2014- 2016 cho các học viên.

Trong 25 năm qua, trường đã mở 69 lớp trung cấp lý luận chính trị và Lý luận chính trị-hành chính với trên 4000 học viên, 10 lớp trung cấp nghề với 855 học viên; mở hàng trăm lớp bồi dưỡng nghiệp vụ với hàng chục ngàn lượt học viên như bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên và chuyên viên chính, bồi dưỡng cán bộ các đoàn thể chính trị, xã hội, bồi dưỡng đại biểu HĐND các nhiệm kỳ… Liên kết với các trường mở 12 lớp cao cấp lý luận chính trị, 10 lớp đại học chuyên ngành như: Đại học Quản trị kinh doanh, Đại học Kinh tế luật, Đại học Báo chí tuyên truyền và quản lý nhà nước…

Trong hoạt động giảng dạy, nhà trường luôn quan tâm chú trọng thực hiện đúng theo các quy chế trong tất cả các khâu, từ chiêu sinh, mở lớp, xây dựng kế hoạch học tập, đến hoạt động dạy, học, kiểm tra, đánh giá…

Hoạt động khoa học và nghiên cứu thực tế phục vụ cho hoạt động dạy và học cũng được nhà trường quan tâm lãnh đạo tổ chức thực hiện. Trong 25 năm qua, nhà trường đã có 1 đề tài cấp tỉnh, 22 đề tài khoa học cấp trường được đánh giá loại khá. Các đề tài tập trung đi sâu nghiên cứu những vấn đề quan trọng đang diễn ra tại cơ sở trên địa bàn tỉnh cần có những giải pháp có hiệu quả, thích hợp, như các đề tài: “Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức cấp xã huyện miền núi Bác Ái”, “Nâng cao đời sống nông dân huyện Thuận Bắc thực trạng và giải pháp”, “Công tác vận động nông dân xây dựng nông thôn mới của hệ thống chính trị ở các xã điểm huyện Ninh Phước tỉnh Ninh Thuận năm 2011-2014”. Đặc biệt, năm 2016, nhà trường tổ chức thực hiện đề tài Xây dựng bộ ngân hàng đề thi các phần học trong Chương trình Trung cấp Lý luận Chính trị-Hành chính đã góp phần đổi mới trong công tác quản lý đánh giá học viên của nhà trường.

Hàng năm, nhà trường đều tổ chức 2-3 hội thảo khoa học cấp trường với hàng trăm lượt cán bộ, giảng viên tham dự. Nhiều bài viết có sự đầu tư, tìm tòi và gắn kết khá chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn, từ đó đưa những nội dung quan trọng trong hội thảo vào phục vụ trong công tác quản lý và giảng dạy.

Hàng năm, nhà trường đều tổ chức thao giảng cấp trường, cấp khoa, với hàng trăm lượt giảng viên và cán bộ, giảng viên tham gia thao giảng và dự giờ. Kết quả phần lớn các giảng viên tham gia thao giảng đạt loại khá, giỏi trở lên. Trong 25 năm, nhà trường cũng tham gia 5 Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp Học viện do Học viên Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức, với 10 lượt giảng viên đạt danh hiệu Giảng viên dạy giỏi cấp Học viện, trong đó có 2 giảng viên đạt giảng viên dạy giỏi xuất sắc được Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tặng Bằng khen.

Nhằm phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trường đã phối hợp với Sở Nội vụ và các sở, ngành liên quan mở lớp tập huấn kỹ năng Quy hoạch nông thôn mới với trên 320 học viên tham dự; 5 lớp bồi dưỡng quản lý xây dựng, đất đai với 290 học viên tham dự. Đây là các lớp ngoài kế hoạch, mà đối tượng học viên là các cán bộ ở cơ sở trực tiếp tham gia vào các hoạt động trong xây dựng nông thôn mới góp phần nâng cao hiệu quả trong phong trào này ở địa phương.

Trải qua 25 năm phát triển và trưởng thành, với truyền thống đoàn kết, phát huy sức mạnh tập thể, Nhà trường đã đào tạo được nhiều thế hệ học viên vừa “hồng” vừa “chuyên”, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ của từng thời kỳ lịch sử, góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của quê hương, đất nước.

Với những thành tích đã đạt được, Nhà trường đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, được Thủ tướng Chính phủ tặng 2 Bằng khen năm 2011 và năm 2016; 4 Bằng khen của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Nội vụ, Bộ Công an. UBND tỉnh tặng 2 Cờ thi đua là đơn vị dẫn đầu khối cơ quan Đảng tỉnh.

Phát huy những kết quả đạt được trong những năm qua, để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao trong thời gian tới, với phương châm “Đoàn kết, trí tuệ, đổi mới và quyết tâm cao”, nhà trường tiếp.

Một là, tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Học viên Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị sở, ngành trong việc lãnh đạo và thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, chú trọng công tác chính trị, tư tưởng trong toàn Đảng bộ trường, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt Đảng, xây dựng khối đoàn kết nhất trí, trên cơ sở tự phê bình và phê bình thẳng thắn, trung thực, thông qua việc thường xuyên bồi dưỡng, giáo dục Chủ nghĩa Mác- Lênin, đưa việc học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào nền nếp thường xuyên cho cán bộ, giảng viên thấm nhuần tư tưởng, giữ vững lập trường, củng cố niềm tin, kiên định trước những diễn biến của tình hình mới;

Hai là, gắn tổ chức học tập, quán triệt với việc xây dựng nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp phù hợp với thực tế và nhiệm vụ chính trị của nhà trường; xác định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng uỷ, các chi uỷ, đổi mới phương thức, nội dung và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đảng bộ thông qua việc ban hành Nghị quyết chuyên đề trong lãnh đạo, tổ chức và hoạt động thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị phòng, khoa trong nhà trường.

Ba là, thực hiện tốt công tác cán bộ theo quy định, chú trọng trong việc đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ lý luận chính trị và năng lực, trình độ chuyên môn cho đội ngũ giảng viên; rà soát, bổ sung quy chế hoạt động của nhà trường và của từng đơn vị phòng, khoa, xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, từng chức danh, nêu cao tinh thần trách nhiệm và tính nêu gương của người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn trong nhà trường.

Bốn là, phát huy tính tiền phong, gương mẫu trong mọi hoạt động của mỗi đảng viên, liên hệ chặt chẽ với quần chúng. Trước hết, mỗi đảng viên, giảng viên cần tiếp tục nghiên cứu, học tập đổi mới phương pháp giảng dạy và đánh giá phù hợp, khách quan, thực hiện nghiêm túc các quy chế, quy trình, chương trình dạy, học trong nhà trường; chú trọng việc nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cho người học bao gồm cả ba mặt là kiến thức, kỹ năng và thái độ nhằm góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả công tác cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh;

Năm là, tổ chức tốt việc thực hiện các nhiệm vụ của các khoa chuyên môn và của mỗi giảng viên từ việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch dạy, học cho đến các hoạt động khoa học, nghiên cứu thực tế và thao giảng, dự giờ thông qua các phong trào thi đua, có sơ tổng kết, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoàn thành nhiệm vụ được giao.