Phước Bình hôm nay

(NTO) Trong không khí hân hoan kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh, chúng tôi ngược đường hơn 70 km, từ trung tâm Tp. Phan Rang–Tháp Chàm theo hướng Tây Bắc về thăm xã anh hùng Phước Bình (Bác Ái). Ít ai ngờ rằng, ở vùng cao và xa nhất tỉnh, với địa hình chỉ có đồi núi dốc, đồng bào dân tộc Raglai từng “vật lộn” với cái đói, cái nghèo, thì nay Phước Bình đang tự hào là xã “giàu” nhất huyện.

Tiếp và trò chuyện cùng chúng tôi, đồng chí Katơr Quỳnh, Phó Bí thư Đảng ủy xã, là một trong những cán bộ tham gia chính quyền xã Phước Bình từ những ngày đầu huyện Bác Ái được tái lập vào năm 2000, phấn khởi cho biết: Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, rất nhiều công trình phúc lợi xã hội trên địa bàn xã được đầu tư khang trang, phục vụ tốt nhu cầu dân sinh của người dân. Trong số đó, có thể kể đến một số công trình điểm như: 2 khu tái định cư thôn Hành Rạc II và Bạc Rây II, với hơn 180 căn nhà được xây dựng mới đáp ứng được nơi ở ổn định cho các hộ dân trong vùng sạt lở, ven sông, suối và hộ khó khăn về nhà ở, từ đó giúp bà con yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống. Cây cầu mới tại thôn Hành Rạc 1, dài gần 100 m được Nhà nước đầu tư gần 25 tỷ đồng vào năm 2015, bắc qua sông Cái, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và vận chuyển nông sản an toàn. Bên cạnh đó, hệ thống điện, đường, trường, trạm cũng ngày càng được hoàn thiện. Hiện toàn xã đã có hơn 90% số hộ có nhà xây kiên cố; hơn 95% đường giao thông được bê-tông hóa từ trung tâm xã về các thôn; 70% đường giao thông nội thôn được cứng hóa, hầu hết hộ dân đều có điện thắp sáng và nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh; 95% trẻ em đi học theo đúng độ tuổi; 100% người dân có thẻ bảo hiểm y tế.

Một giờ lên lớp của cô và trò trường Tiểu học Phước Bình A.

Bên cạnh sự quan tầm đầu tư của Đảng và Nhà nước, thì sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phước Bình trong những năm gần đây cũng rất đáng ghi nhận, trọng tâm có thể kể đến khâu đột phá trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế. Nếu như hơn 10 năm trước, toàn xã chỉ có vài chục ha cây trồng, chủ yếu là cây bắp địa phương, đậu xanh và một số hoa màu… sản xuất mang tính tự cung, tự cấp, hằng năm phải “chờ” nhận cứu đói giáp hạt của Nhà nước, thì nay bà con biết chăm chỉ làm ăn, ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã tự học hỏi, tìm tòi, mạnh dạn thay đổi cách thức canh tác, phát triển mạnh theo hướng hàng hóa, thu lợi nhuận cao, nhất là từ năm 2008, khi có Chương trình 30a của Chính phủ, cùng nhiều chương trình, chính sách khác thì ý thức vươn lên trong lao động sản xuất của bà con ngày càng có nhiều chuyển biến. Theo thống kê của UBND xã, hiện nay, tổng diện tích gieo trồng toàn xã hằng năm luôn đạt từ 1.700-1.800 ha (diện tích trồng cây bắp chiếm khoảng 90%, còn lại một số trồng cây đậu và lúa rẫy); hơn 1.260 ha diện tích trồng cây lâu năm như chuối, điều lấy hạt và một số diện tích cây ăn quả. Ngoài mô hình bắp lai đang phát triển rất mạnh với diện tích mỗi vụ trên 600 ha và năng suất luôn ổn định từ 4–5 tấn/ha/vụ, thì cây chuối với diện tích khoảng 650 ha, mỗi 1 ha chuối bình quân mang lại thu nhập cho người dân từ 3-3,5 triệu đồng/tháng. Trong phát triển kinh tế, ngoài các loại cây đang cho thu nhập ổn định, địa phương đã mạnh dạn trồng thử nghiệm thêm nhiều diện tích cây ăn trái, cây lâu năm khác như: Bưởi, cà phê, mít ruột đỏ, sầu riêng… Trong đó, một số loại cây đã cho thấy hiệu quả cao như bưởi da xanh hiện 1 sào thu nhập từ 25-30 triệu đồng khi vào mùa.

Một góc khu tái định cư xã Phước Bình.

Từ sự đột phá mạnh mẽ trong khâu chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã giúp đời sống người dân xã Phước Bình không ngừng được nâng lên, số hộ nghèo hằng năm giảm từ 6-7%. Phước Bình cũng là địa phương đầu tiên của huyện miền núi Bác Ái “tuyên bố” thoát đói giáp hạt kể từ sau khi có Chương trình 30a của Chính phủ. Nhắc đến xã Phước Bình, câu chuyện địa phương này “nhường” phần gạo cứu đói giáp hạt Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 của Chính phủ cho các địa phương khác càng cho thấy sự đổi thay mạnh mẽ trong ý thức tự vươn lên xóa đói, giảm nghèo và thể hiện tinh thần chia sẻ lúc khó khăn với cộng đồng của chính quyền và nhân dân trong xã Phước Bình. Thực tế, thời điểm đó, toàn xã vẫn có khoảng 200 hộ nghèo, tuy nhiên qua rà soát và xem xét kỹ, xã không còn hộ thiếu đói. Đảng ủy và chính quyền xã đã xác định sau khi có sự hỗ trợ của Chương trình 30a, cùng với điều kiện tự nhiên thuận lợi, hầu hết người dân đã biết phát huy thế mạnh sẵn có tập trung đầu tư phát triển các loại cây trồng phù hợp, mang lại nguồn thu nhập ổn định quanh năm. Do vậy, khi nhận chủ trương của huyện rà soát, lên danh sách hộ cứu đói giáp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, xã đã nhiều lần tổ chức họp lãnh đạo thôn để lấy ý kiến, nhưng hầu hết đều thống nhất nhường phần gạo cứu đói cho các xã khác.

Có thể nói, về Phước Bình hôm nay, chúng ta sẽ chứng kiến cả một sự đổi thay rất lớn. Ngoài những nét đổi mới trong bộ mặt nông thôn, phát triển kinh tế, một ấn tượng nữa phải kể đến đó là sự nghiệp giáo dục đang được chính quyền và Nhân dân quan tâm chăm lo. Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống trường học khang trang, trải đều ở các địa bàn thôn, trang thiết bị cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học. Hiện toàn xã có 6 điểm trường mẫu giáo, TH, THCS đáp ứng cho hơn 1.220 học sinh theo học. Các phong trào xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, xây dựng nông thôn mới và tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc… được người dân nhiệt tình hưởng ứng. Đồng bào nơi đây vẫn luôn giữ vững niềm tin son sắt vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đoàn kết, xây dựng đời sống ngày một đi lên.