Ninh Phước trên đường phát triển

(NTO) Là huyện thuần nông nằm ở phía Nam của tỉnh, sau ngày giải phóng với bao bộn bề, khó khăn, song với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, phát huy nội lực và tranh thủ sự giúp đỡ của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ninh Phước đã từng bước vươn lên, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), củng cố hệ thống chính trị, giữ vững quốc phòng-an ninh (QP-AN).

Đồng chí Nguyễn Đô
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước

Nhân kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh, phóng viên Báo Ninh Thuận có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Đô, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước về những thành tựu trong đổi mới đã đạt được thời gian qua cũng như định hướng phát triển trong thời gian đến.

Phóng viên: Trong chặng đường 25 năm sau ngày tái lập tỉnh, huyện nhà đã có bước đổi mới và phát triển như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Đô: Trên bình diện chung, qua 25 năm sau ngày tái lập tỉnh, kinh tế của huyện Ninh Phước có bước tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế cơ bản chuyển dịch theo hướng tích cực, bước đầu khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương. Thu ngân sách nhà nước đạt và vượt chỉ tiêu hằng năm. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng, gắn với đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao được nhân rộng, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH. Sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa có sự chuyển biến rõ nét; các chính sách an sinh xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo được quan tâm triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời. Khả năng phòng thủ được tăng cường, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự xã hội cơ bản ổn định. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt được nhiều kết quả quan trọng; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ được nâng lên. Vai trò của MTTQ và các đoàn thể  chính trị-xã hội được phát huy, khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng vững chắc. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người ở mức 28 triệu đồng/người/năm, tăng gần 52,8 lần so với năm 1992. Tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn 20 lần trong vòng 25 năm, hiện còn dưới 13% theo chuẩn mới.

Trung tâm huyện Ninh Phước.

Phóng viên: Đồng chí cho biết thêm về định hướng phát triển của huyện nhà trong tương lai?

Đồng chí Nguyễn Đô: Bám sát mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra và cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng huyện lần thứ XI; nhằm tiếp tục gặt hái những thành tựu mới, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Ninh Phước đã đề ra mục tiêu: Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của huyện để phát triển KT-XH, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp-xây dựng, thương mại-dịch vụ; giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020, tổng giá trị sản xuất các ngành tăng 1,78 lần; thu nhập bình quân đầu người gấp 1,85 lần. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo việc làm, giảm nghèo, nâng cao mức sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân; bảo đảm QP-AN, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội để phát triển KT-XH nhanh, bền vững và xây dựng thành công nông thôn mới.

Để đạt được mục tiêu trên, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm: Đẩy mạnh xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; phát triển kinh tế gắn với bảo đảm QP-AN và trật tự an toàn xã hội. Trong phát triển kinh tế, huyện tập trung “mũi nhọn” cho xây dựng và phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, có năng suất, chất lượng và sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Mặt khác, huyện cũng chú trọng hoạt động tài chính-ngân hàng; phát triển các thành phần kinh tế; tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường; nâng cao chất lượng công tác giáo dục, y tế; thực hiện tốt các chính sách xã hội; chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân.

Du khách mua sắm sản phẩm dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp.

Nông dân thôn An Hải (Ninh Hải) chăm sóc nho. Ảnh: V.M

Phóng viên: Như đồng chí có đề cập ở trên, với mục tiêu xây dựng và phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đến nay, địa phương đã tổ chức triển khai như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Đô: Với vị thế là địa bàn trọng điểm về nông nghiệp của tỉnh nên huyện nhà quyết tâm xây dựng một nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết và UBND huyện đã xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện. Trong giai đoạn đầu triển khai (2011-2015), địa phương tập trung lãnh đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đưa ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác; đồng thời đã làm tốt quy hoạch ngành, vùng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, trong canh tác c ây lúa đã ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện các mô hình trong sản xuất theo hướng tiết kiệm chi phí sản xuất như mô hình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” lan rộng ra trên diện tích 3.437 ha, năng suất bình quân đạt 76 tạ/ha. Ngoài ra còn có mô hình kết hợp sản xuất, sơ chế, tiêu thụ nho an toàn của trang trại Ba Mọi; mô hình trồng táo theo hướng VietGAP tại xã Phước Sơn; mô hình trồng táo kết hợp với nuôi cừu, dê vỗ béo tại xã Phước Thuận; mô hình trồng rau an toàn tại xã An Hải, nuôi chim yến với 28 cơ sở ở các xã, thị trấn, mô hình nuôi heo thịt từ 600–2.000 con/trại tại xã Phước Vinh; mô hình trồng măng tây xanh tại xã An Hải từ 0,2 ha năm 2011, nay đã tăng lên 31 ha, lợi nhuận đạt trên 540 triệu đồng/ha/năm… Từ những mô hình trên cho thấy với cách thức làm nông nghiệp ngày càng đổi mới theo hướng tiếp cận và ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất của nông dân như hiện nay chính là những “nền móng” quan trọng để huyện đẩy nhanh tiến trình xây dựng và phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, có năng suất, chất lượng và sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường bằng chính những cây, con chủ lực của địa phương. Theo định hướng, từ nay đến năm 2020, huyện tập trung củng cố các HTX kiểu mới làm vai trò trung gian tập hợp nông dân liên kết sản xuất trên quy mô lớn; mở rộng diện tích trồng rau, quả an toàn; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư công nghệ cho phát triển các sản phẩm đặc thù của địa phương. Riêng năm 2017, huyện triển khai Đề án vùng sản xuất rau an toàn 300 ha tại An Hải; thí điểm mô hình cánh đồng lớn quy mô 50 ha tại xã Phước Hậu và trình diễn ứng dụng một số giống mới trên cây lúa, rau màu và nho; phối hợp triển khai Dự án vùng chăn nuôi bò công nghệ cao tại Phước Vinh, Phước Thái; kêu gọi đầu tư vùng sản xuất giống thủy sản chất lượng cao… Song song đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm và sự đồng thuận của Nhân dân tích cực tham gia thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao vì mục tiêu hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao chất lượng nông sản, tăng giá trị kinh tế và tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người nông dân.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí !

TÂM HUYẾT VÌ SỰ PHÁT TRIỂN QUÊ HƯƠNG

Ông Hán Ánh
Trưởng thôn Hiếu Lễ (xã Phước Hậu, Ninh Phước):

Với sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, sau 25 năm tái lập tỉnh, Ninh Thuận đã phát huy được tiềm năng, thế mạnh, khai thác hiệu quả các nguồn lực, từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Tôi tin rằng, thời gian tới, tỉnh sẽ có những hoạch định cụ thể để đưa kinh tế-xã hội tỉnh nhà tiếp tục đi lên. Cùng với đó, tỉnh nên quan tâm, tiếp tục có những giải pháp giúp cho bà con người Chăm được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như: Giải quyết việc làm, triển khai các mô hình kinh tế hiệu quả, phù hợp với địa phương để người dân yên tâm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập n

Bác sĩ Báo Anh Tiến
công tác tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh:

Từ một tỉnh nghèo, xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, qua 25 năm phấn đấu, giờ đây diện mạo quê hương Ninh Thuận đã thực sự đổi thay, khang trang, bề thế; đời sống của người dân không ngừng được nâng cao. Là một người con của quê hương Ninh Thuận, tôi cảm thấy thật vui và tự hào.

Riêng đối với ngành Y tế, những năm qua cũng đã đạt được nhiều thành tựu. Trong đó thành tựu nổi bật là năm 2012, Bệnh viện Đa khoa tỉnh quy mô 500 giường bệnh được đầu tư xây mới, đưa vào hoạt động. Đây không chỉ là niềm vui của người dân trong tỉnh mà còn là niềm tự hào, phấn khởi, tạo động lực đối với đội ngũ cán bộ, y bác sĩ của bệnh viện khi được làm việc với cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị hiện đại. Bệnh viện không ngừng phát triển, đến nay đã thực hiện được 250 kỹ thuật tuyến Trung ương.

Tôi cũng mong muốn rằng, thời gian tới, tỉnh tiếp tục có cơ chế, chính sách mới hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ, thầy thuốc được đi đào tạo, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, cũng như nâng cao thu nhập. Trong không khí vui tươi chào mừng kỷ niệm 25 năm Ngày tái lập tỉnh, bản thân tôi sẽ luôn phát huy tinh thần đoàn kết, thi đua, lập nhiều thành tích trong công tác, góp phần nhỏ bé của mình cùng tập thể thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa bệnh viện trở thành bệnh viện hạng I vào năm 2020.