Khởi động nông nghiệp công nghệ cao

(NTO) Tháng 8-2016, sau khi đến thăm vùng trồng rau an toàn ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý để tỉnh ta triển khai Dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) tại đây, mở ra hướng đi mới cho hình thức tổ chức sản xuất hiện đại.

Tại cuộc họp Ban Phát triển sản phẩm đặc thù tỉnh tổ chức vào trung tuần tháng 2 vừa qua, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho hay: Khu NNCNC có quy mô 300 ha, kinh phí đầu tư 100 tỷ đồng, dự kiến triển khai xây dựng vào tháng 7 tới, có chức năng sản xuất các loại rau, quả hàm lượng chất xám cao; trong đó, tập trung cho cây măng tây xanh. Qua khảo sát, măng tây xanh là loại rau cao cấp xuất xứ từ các nước phương Tây, mới du nhập vào trồng tỉnh ta năm 2009, ban đầu chỉ có vài sào, đến nay diện tích tăng lên khoảng 50 ha. Đây là đối tượng cây trồng mới có giá trị kinh tế cao, khi ứng dụng công nghệ vào sản xuất góp phần nâng cao giá trị trên cùng đơn vị diện tích. Theo tính toán, hiện nay, hộ trồng măng tây xanh theo phương pháp thông thường thu lãi khoảng 300 triệu đồng/ha, nhưng khi trồng trong nhà lưới theo quy trình kỹ thuật tiên tiến thu nhập tăng lên nhiều lần nhờ năng suất và chất lượng vượt trội.

Cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH giống thủy sản Uni - President Việt Nam tại Ninh Thuận
kiểm tra chất lượng tôm giống tại bể nuôi. Ảnh: V.M

Thông tin tốt đẹp làm nức lòng nông dân và doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp, bởi ngoài thực hiện các mô hình chuyển giao khoa học-kỹ thuật, Khu NNCNC An Hải còn có nơi sản xuất hạt giống măng tây xanh, vốn lâu nay phải nhập khẩu rất đắt đỏ. Anh Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Linh Đan đang liên kết với nông dân trồng 10 ha măng tây xanh, tin tưởng: Ninh Thuận có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp trồng cây măng tây xanh chất lượng cao nhất nước. Đầu ra mặt hàng măng tây xanh rất rộng, sản lượng thu được hiện nay không đủ cung cấp cho các siêu thị ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Tuy vậy, nông dân khó mở rộng quy mô sản xuất do chi phí đầu tư cao. Hạt giống măng xanh tây chủ yếu nhập từ Hà Lan về, trồng 1 ha hết khoảng 600 triệu đồng tiền giống, nhiều hộ dân không đủ khả năng tài chính để sản xuất mặt hàng có giá trị kinh tế này. Khu NNCNC hình thành mở ra kỳ vọng giải quyết khó khăn về khan hiếm hạt giống, giảm được nhiều chi phí sản xuất; đồng thời, với công nghệ kéo dài thời gian bảo quản tạo thuận lợi cho vận chuyển đi tiêu thụ ở thị trường nước ngoài.

Không chỉ vậy, Khu NNCNC An Hải còn làm chức năng là “hạt nhân” hỗ trợ các doanh nghiệp, nông dân trong tỉnh đổi mới tổ chức sản xuất, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp tiên tiến. Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 10-10-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XIII về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 và là định hướng cụ thể để ngành Nông nghiệp phát triển. Tuy nhiên, bước đầu thực hiện Nghị quyết đơn vị chức năng, các địa phương còn lúng túng vì chưa định hình rõ nên áp dụng loại hình công nghệ nào phù hợp với điều kiện sản xuất ở tỉnh ta. Việc triển khai xây dựng Khu NNCNC với đầy đủ tiêu chí, quy trình sản xuất theo chuỗi giá trị sẽ là cơ sở để các ngành, địa phương dựa theo đó thực hiện, giải tỏa được tâm lý “lấn cấn” lâu nay.

Song hành với Khu NNCNC An Hải, thì Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tăng trưởng xanh thuộc Dự án Nghiên cứu triển khai và đầu tư áp dựng công nghệ xanh phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch ít phát thải khí nhà kính cũng được triển khai xây dựng tại xã Phước Tiến (Bác Ái) vào ngày 17-3 vừa qua. Trung tâm được biết đến là tổ hợp nghiên cứu toàn diện; trong đó, chú trọng lai tạo giống cây trồng, lĩnh vực có lợi thế so sánh của tỉnh, khi đi vào hoạt động hứa hẹn góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.