Chuyện “lời hứa”

(NTO) Lâu ngày gặp nhau anh hỏi: Cậu nhớ câu danh ngôn của Napoléon Bonaparte chứ? Chẳng là thuở học trò, tôi vốn mê truyện mà nhà anh là cả một thư viện nhỏ đủ các tác phẩm văn học phương Đông, phương Tây. Những lúc rảnh rỗi, tôi thường ghé nhà anh đọc truyện hoặc mượn về. Vậy nên khi anh nhắc đến lời hứa, tôi nhớ ngay tới câu danh ngôn “Cách giữ lời hứa tốt nhất là đừng bao giờ hứa” mà anh chọn làm phương châm sống của mình. Nghe anh hỏi bất chợt tôi thoáng nghĩ, chắc có chuyện gì đây?

Rồi anh nói như thở ra, cũng là bạn bè vào sinh ra tử ở chiến trường K (Campuchia), hắn hứa giúp đứa cháu đi lao động ở nước ngoài nhưng rồi xôi hỏng bỏng không. Này, sao bác nhiều cháu thế, có phải cháu "kế hoạch hai" không, thật thà khai báo để anh em giúp đỡ? Nghe tôi chọc anh cười: Chú chỉ giỏi việc suy bụng mình ra bụng người!. Cháu ở đây là con anh bạn thương binh. Cha cháu bị di chứng chất độc màu da cam nên may mắn lắm mới có được cậu quý tử. Có điều, chồng chỉ còn một chân, vợ thì làm nông, lúc trời mưa thuận gió hòa thu nhập cũng đủ sống. Ngặt cái, thời tiết mấy năm nay biến đổi thất thường, hết lũ lụt lại hạn hán nên kinh tế gia đình quá khó khăn đành xin cho cháu đi xuất khẩu lao động. Chỉ tiêu thì ít mà nhu cầu lại quá nhiều, cũng may có anh bạn cùng đơn vị ngày xưa nay công tác ở ngành Lao động hứa như đinh đóng cột, rằng cháu thuộc diện ưu tiên chắc chắn sẽ đi đợt này. Vợ chồng mừng lắm chạy ngược xuôi lo chuẩn bị cả trăm triệu đồng sẵn sàng đóng tiền đặt cọc giữ chân, thuê giáo viên dạy kèm ngoại ngữ. Vậy mà, đợt xuất khẩu lao động vừa rồi đi Hàn Quốc cháu không có tên. Hỏi bạn mình lý do thì hắn nói, chỉ tiêu năm nay giảm một nửa do lao động nước mình quá hạn trốn ở lại không chịu về nước. Đã thế hắn còn hứa, chậm chút chẳng sao, tôi bảo đảm năm tới cháu chắc chắn, mà lại đi Nhật, lương tháng hai, ba ngàn đô!. Nghe đâu chuyện đi lao động nước ngoài cũng nhiêu khê lắm. Chỉ có điều bao nhiêu hy vọng giờ tiêu tan, có lẽ cũng bởi cha mẹ cháu quá tin vào lời hứa của bạn.

Nghe anh kể chuyện bạn mình mà thấy buồn lòng. Cũng chỉ tại lời hứa mà vợ chồng đứa em gái tôi dở cười, dở khóc. Chẳng là vợ chồng tích cóp bao nhiêu năm xây dựng ngôi nhà cho gia đình mình. Biết tin, chị chồng bảo đã làm thì phải cho hoành tráng, thiếu anh chị cho mượn khi nào có trả cũng được. Ai ngờ, công trình xây dựng được nửa khối lượng, họ hỏi mượn tiền thì chị chồng bảo hỏi anh chú ấy!? Thế bí, vợ chồng đành đem hồ sơ xây dựng nhà đến ngân hàng thế chấp vay tiền. Nhìn ngôi nhà xây ai cũng tưởng họ khá giả lắm, đâu biết nội thất bên trong chẳng có vật gì đáng giá. Đã vậy hằng tháng lo trả nợ gốc, lãi vay ngân hàng, vợ chồng con cái sinh hoạt hằng ngày kham khổ cứ như thời chiến.

Chuyện những người hứa nhưng không thực hiện như trên ở đâu cũng có. Đôi lúc tự nghiệm lại, cũng có khi mình tự hứa với bản thân làm một việc gì đó nhưng chưa thực hiện được hoặc không thực hiện. Hậu quả lời hứa nhưng không thực hiện tùy thuộc vào vị trí của người đó trong xã hội và các mối quan hệ của họ. Pháp luật hiện hành không quy định trách nhiệm pháp lý của những người hứa để giải quyết "khâu oai", nhưng họ đã tự đánh mất niềm tin của mọi người đối với mình, mà mất niềm tin là mất tất cả!