Thế giới trong tuần

 1. Một trong những sự kiện thế giới nổi bật trong tuần được nhiều người quan tâm đó là vụ tấn công bên ngoài tòa nhà quốc hội Anh do Khalid Masood, 52 tuổi, sinh ra tại Kent, Đông Nam thủ đô London, là thủ phạm gây ra vụ tấn công này. Vụ việc xảy ra vào chiều 22-3 khi kẻ tấn công lao xe qua cầu Wesminster đâm vào nhiều người đi đường trước khi xông thẳng về phía tòa nhà quốc hội và dùng dao đâm nhân viên cảnh sát bảo vệ ở cửa. Tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng đã nhận đứng sau vụ tấn công này. Giới chức xác nhận 5 người, trong đó có thủ phạm đã tử vong, trong khi khoảng 40 người khác bị thương. Cảnh sát đã bắt giữ 8 người gồm 3 phụ nữ và 5 người đàn ông và lục soát nhiều địa điểm tại London và một số thành phố khác tại Anh để phục vụ công tác điều tra.  Ngày 23-3, cảnh sát London (Anh) cho biết 8 người bị bắt trong khuôn khổ cuộc điều tra toàn diện sau vụ tấn công bên ngoài tòa nhà quốc hội nước này đều bị tình nghi âm mưu khủng bố. 

Trong một diễn biến liên quan, ngày 23-3, một ngày sau vụ tấn công bạo lực, hàng trăm người dân London đã thắp nến bên ngoài tòa nhà quốc hội để tưởng nhớ những nạn nhân xấu số. Nhiều quốc gia và các nhà lãnh đạo trên thế giới cũng đã đồng loạt lên án vụ tấn công.

2. Liên quan đến chống khủng bố, Báo Izvestia (Tin tức) của Nga dẫn Cơ quan giám sát viễn thông Liên bang Nga (Roskomnadzor) ngày 24-3 cho biết hơn 23.000 trang mạng điện tử có nội dung tuyên truyền cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã bị chặn hoặc “xóa sổ”. IS được biết đến với các chiêu bài tuyên truyền trên mạng trực tuyến và tuyển mộ tân binh qua các phương tiện truyền thông xã hội, chủ yếu nhằm vào giới trẻ trên khắp thế giới. Hoạt động trên mạng trực tuyến của IS ở Nga tập trung vào việc phát tán các băng hình hoặc tài liệu in ấn. 

3. Vụ bê bối thịt bò bẩn tại Brazil tiếp tục gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với ngành chế biến và xuất khẩu thịt của quốc gia Nam Mỹ này. Trong một động thái mới nhất, ngày 23-3, Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu Brazil chủ động tạm ngừng  các hoạt động xuất khẩu thịt tới các nước thành viên liên minh để tránh việc Brussels phải áp đặt một lệnh cấm. Tuy nhiên, Chính phủ Brazil đã từ chối thực hiện yêu cầu trên. 

Hiện EU đã ngừng nhập khẩu sản phẩm của 4 cơ sở chế biến thịt Brazil. Trong khi đó, các tổ chức đại diện cho quyền lợi của chủ các trang trại tại châu Âu cũng kêu gọi Ủy ban châu Âu có những hành động mạnh mẽ hơn đối với việc nhập khẩu thịt Brazil sau vụ bê bối thực phẩm tại quốc gia Nam Mỹ này… 

Vụ bê bối thịt bẩn tại Brazil phát giác sau khi ngày 18-3, cảnh sát nước này thông báo phát hiện một đường dây nhận hối lộ để cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm thịt ôi thiu, không đạt chất lượng để tuồn ra thị trường tiêu thụ, cũng như cho phép các cơ sở sản xuất sử dụng chất gây ung thư để làm các sản phẩm chế biến từ thịt có màu đẹp và mùi thơm. Kể từ khi thông tin liên quan tới vụ bê bối thịt bẩn tại Brazil được công khai, 15 thị trường đã cấm nhập khẩu hoàn toàn hay từng phần thịt và các sản phẩm thịt của nước này, đồng thời tăng cường giám sát chất lượng mặt hàng này đến từ quốc gia Nam Mỹ.