Khoảnh khắc & sự kiện 25-3

 1. Trong nước

* Ngày 25-3-1946: Ngày truyền thống Bộ đội Công binh Việt Nam. Cách đây hơn 70 năm, ngày 25-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Công chính giao thông Cục (tiền thân của Bộ đội Công binh). Từ đó, ngày 25-3 trở thành Ngày truyền thống của Bộ đội Công binh. 

Bộ đội Công binh mở đường Trường Sơn năm 1973. Ảnh: TL

Trải qua 71 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Bộ đội Công binh luôn xứng đáng với truyền thống trên lá cờ thêu 4 chữ vàng “Mở đường thắng lợi” do Bác Hồ trao tặng; trở thành một binh chủng anh hùng, chính quy, hiện đại của Quân đội nhân dân Việt Nam. Binh chủng đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Sao vàng, 2 Huân chương Hồ Chí Minh, danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. 

* Ngày 25-3-1966: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Đại hội thi đua “Đảm bảo giao thông vận tải, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Nói chuyện tại Đại hội, Người căn dặn: “Giao thông vận tải rất quan trọng, quan trọng đối với chiến đấu, đối với sản xuất, đối với đời sống nhân dân, nó rất quan trọng cho nên phải cố gắng...”.

Thực hiện lời dạy của Người, toàn ngành Giao thông vận tải đã vươn lên mạnh mẽ, khắc phục mọi khó khăn gian khổ, hy sinh để làm tròn nhiệm vụ trên mặt trận khôi phục và đảm bảo giao thông vận tải trong suốt thời kỳ chiến tranh phá hoại của Mỹ. Những lời chỉ dạy của Người đối với ngành Giao thông vận tải không chỉ có ý nghĩa lý luận và giá trị lịch sử, mà nó còn có ý nghĩa thực tiễn to lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển giao thông vận tải Việt Nam hiện nay.

2.Thế giới

* Ngày 25-3-1655: Khám phá ra Titan, vệ tinh lớn nhất của sao Thổ Titan được xem là “mặt trăng” lớn nhất của sao Thổ (Saturn), và là “mặt trăng” lớn thứ hai trong thái dương hệ, sau Ganymede. 

Cũng giống như sao Kim (Venus), bầu khí quyển dày đặc của Titan che khuất hoàn toàn bề mặt của nó, trong đó chứa rất nhiều khí nitơ, ngoài ra người ta còn tìm ra có các dấu hiệu khí mêtan và các hyđrôcácbon ở đó.

Mặc dù không mong gì sẽ tìm thấy dấu hiệu của sự sống trên đó, nhưng việc thám hiểm Titan sẽ cho chúng ta những đầu mối hấp dẫn giúp cho việc nghiên cứu những hợp chất hữu cơ tổng hợp.

Titan do nhà thiên văn học người Hà Lan Christiaan Huygens khám phá ra. Ông sinh ngày 14-4-1629, mất ngày 8-7-1695. 

* Ngày 25-3-1903: Vợ chồng nhà vật lý Marie Curie phát hiện chất phóng xạ Radium. Năm 1903, nhà vật lý học người Pháp Pierre Curie và vợ là Marie Curie đã công bố phát hiện chất phóng xạ Radium trước Viện hàn lâm Khoa học. Đây là một chất có khả năng phát sinh ra nhiệt liên tục trong điều kiện thường, mà không cần đốt hay có phản ứng hóa học nào trong quá trình được gọi là phân rã phóng xạ.

Marie Curie là người phụ nữ đầu tiên nhận giải thưởng Nobel Vật lý. Bà cũng là người đầu tiên vinh dự nhận hai giải Nobel trong 2 lĩnh vực khác nhau, vật lý và hóa học.

Trong một khoảng thời gian dài làm việc với phóng xạ mà không có biện pháp an toàn nào, Marie Curie đã bị nhiễm độc phóng xạ và qua đời vào năm 1934. 

* Ngày 25-3-1957: Thành lập Cộng đồng Năng lượng nguyên tử châu Âu. Cộng đồng Năng lượng nguyên tử châu Âu (còn được gọi là Euratom) là một tổ chức quốc tế được thành lập để quản lý nguồn năng lượng hạt nhân tại các quốc gia châu Âu. 

Các mục tiêu của Euratom là thiết lập một thị trường đặc biệt cho năng lượng hạt nhân và phân phối năng lượng này thông qua Cộng đồng, đồng thời phát triển và bán năng lượng hạt nhân thặng dư cho các nước ngoài Cộng đồng.

Dự án chính hiện nay của cơ quan này là tham gia vào Lò phản ứng thực nghiệm Nhiệt hạch quốc tế (ITER) được tài trợ dưới phần hạt nhân của “Chương trình khung thứ 7” (FP7). Euratom cũng đưa ra một cơ chế vay tiền để tài trợ các dự án năng lượng hạt nhân trong Liên minh châu Âu. 

Theo TTXVN