Hoạt động của các phó Thủ tướng Chính phủ

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp về gói tín dụng 100.000 tỷ đồng

Chiều 23/3, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì buổi họp với các bộ, ngành bàn về việc triển khai Nghị quyết số 30/2017/NQ-CP của Chính phủ ngày 7/3/2017, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về gói tín dụng 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại (NHTM) để cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), nông nghiệp sạch với lãi suất phù hợp, thấp hơn từ 0,5- 1,5% so với lãi suất thị trường.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định tầm quan trọng của gói tín dụng cho NNCNC, nông nghiệp sạch để phục vụ chủ trương phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết Đại hội Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và trong bối cảnh tăng trưởng của ngành nông nghiệp đang chững lại.

“Khi Chính phủ công bố gói này thì được giới doanh nghiệp, người dân đồng tình ủng hộ. Các bộ phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong triển khai gói này, không để xã hội phải thất vọng”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Hiện Chính phủ đã có hàng lang pháp lý để thực hiện phát triển NNCNC nhưng để tạo ra khung khổ thống nhất thì Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao NHNN ban hành Quyết định của Thống đốc NHNN hướng dẫn các NHTM thực hiện gói tín dụng này theo chỉ đạo của Thủ tướng, trước khi sửa đổi Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp và Thông tư số 10/2015/TT-NHNN của NHNN để cho vay lĩnh vực NNCNC đối với những dự án hiệu quả (dự kiến trong quý II/2017).

Theo thẩm quyền, Thống đốc NHNN xem xét cho DN tham gia chương trình được loại trừ dư nợ cho vay trong lĩnh vực NNCNC, linh hoạt trong quy định dự trữ bắt buộc để có thêm nguồn lực, nếu quá thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

NHNN chỉ đạo các NHTM tiết giảm chi phí hoạt động để góp phần giảm lãi suất cho vay NNCNC từ 0,5- 1,5% so với mặt bằng lãi suất cho vay. Các NHTM đẩy mạnh truyền thông quảng cáo chương trình tín dụng này để tạo điều kiện tiếp cận công khai, minh bạch tới các đối tượng vay.

NHNN chủ trì phối hợp với Bộ NN&PTNT giám sát định kỳ kết quả chương trình tín dụng cho nông nghiệp nói chung và NNCNC nói riêng.

Bộ NN&PTNT khẩn trương tuyên truyền, tập huấn cho các đối tượng đi vay và cho vay về Quyết định số 738 ngày 4/3/2017 về tiêu chí xác định công trình, dự án NNCNC; phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ Tư pháp rà soát, hoàn thiện văn bản hướng dẫn việc cấp giấy chứng nhận các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn ứng dụng CNC; nhanh chóng thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất nông nghiệp để tạo thuận lợi cho DN thực hiện thủ tục giao dịch tài sản đảm bảo tại NHTM.

Bộ NN&PTNT sớm chủ trì phối hợp với các địa phương quy hoạch khu, vùng NNCNC, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, quy hoạch phát tiển cây trồng vật nuôi trên địa bàn.

Tin tưởng lĩnh vực này không rủi ro lớn, Phó Thủ tướng cũng giao NHNN nghiên cứu việc mở rộng phạm vi tài sản đảm bảo trong lĩnh vực vay vốn NNCNC thế chấp bằng phương án kinh doanh hiệu quả, tài sản hình thành qua quá trình đầu tư, hay cho vay tín chấp.

Để hỗ trợ các ngân hàng, Bộ Tài chính sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp để ban hành trong thời gian sớm nhất, không thể trì hoãn thêm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp Tổng Giám đốc WIPO

Chiều 23/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) Francis Gurry.

Phó Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao sự quan tâm, hỗ trợ của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) dành cho Việt Nam trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ; nâng cao năng lực của hệ thống bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; phát triển tài sản trí tuệ; đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ…

Hiện Chính phủ Việt Nam đang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật, thay đổi mạnh mẽ cách làm, quy trình, thủ tục, cơ chế thẩm định, thực thi quyền sở hữu trí tuệ để tạo bước đột phá, thúc đẩy đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia như mô hình của thế giới, đặt DN ở vị trí trung tâm, Nhà nước, viện nghiên cứu, các trường đại học là “ba đỉnh của một tam giác đều”.

Năng lực, hiệu quả của hệ thống bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ được nâng cao góp phần lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư vào các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Qua đó tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ của đất nước…

Bên cạnh đó, đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” đã được xây dựng nhằm tạo lập môi trường thuận lợi cho quá trình hình thành và phát triển những DN có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Qua đó, phát huy sáng tạo, khát vọng khởi nghiệp sáng tạo của giới trẻ Việt Nam gắn với tinh thần lập nghiệp, ý thức công dân toàn cầu.

Với mong muốn tăng cường mối quan hệ hợp tác tốt đẹp đã có, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị WIPO tiếp tục các hoạt động hợp tác, hỗ trợ Việt Nam, đặc biệt trong xây dựng Chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ, tạo động lực cho đổi mới, sáng tạo ở Việt Nam.

Cảm ơn Phó Thủ tướng dành thời gian tiếp, ông Francis Gurry khẳng định những kết quả tích cực trong các hoạt động hợp tác về sở hữu trí tuệ giữa Việt Nam với WIPO. Trong chiến lược phát triển của mình, Việt Nam đã đặt ra tầm nhìn trong chiến lược phát triển khoa học công nghệ và hướng tới xây dựng chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ.

WIPO sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai một số dự án: Xây dựng chương trình quốc gia về sở hữu trí tuệ; kiểm toán nguồn lực và quản lý của cơ quan sở hữu trí tuệ; IP-Hub về thương mại hóa tài sản trí tuệ…

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp Giám đốc điều hành Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản)

Ngày 23/3, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã tiếp ông Shoji Kuwayama, Giám đốc điều hành cấp cao của Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản).

Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận và đánh giá cao những hoạt động tích cực, hiệu quả của Tập đoàn Marubeni tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, đặc biệt là năng lượng, trong đó có việc tham gia hợp tác, đầu tư vào các dự án nhiệt điện theo hình thức xây dựng-chuyển giao (BT), nghiên cứu thực hiện một số dự án theo hình thức xây dựng-vận hành-chuyển giao (BOT).

Phó Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Marubeni, với vai trò là công ty thương mại và đầu tư hàng đầu của Nhật Bản, tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản. Phó Thủ tướng gợi ý Marubeni bằng lợi thế và kinh nghiệm của mình có thể nghiên cứu các dự án phát triển hạ tầng giao thông vận tải, đặc biệt là các dự án phát triển đường cao tốc.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực triển khai mạnh mẽ các giải pháp tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng và ổn định cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Marubeni.

Ông Shoji Kuwayama cảm ơn Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã dành thời gian tiếp đoàn và cho biết, trong hơn 30 năm qua, Tập đoàn Marubeni liên tục mở rộng đầu tư sang nhiều lĩnh vực, từ lĩnh vực chính là phát triển các dự án điện đến các lĩnh vực như nông sản, xuất-nhập khẩu than, dệt may, giầy dép.

Marubeni đã mở văn phòng đại diện tại Việt Nam từ năm 1991. Đến nay, Tập đoàn này đã xây dựng 11 nhà máy điện, với tổng công suất đạt 4000 MW.

Giám đốc điều hành cấp cao của Tập đoàn Marubeni khẳng định, trong thời gian tới, Marubeni đang dự kiến đầu tư thêm các dự án điện, xuất-nhập khẩu than, khai thác khí hoá lỏng LPG, xuất khẩu các sản phẩm nông sản Việt Nam ra thế giới. Đồng thời, cũng cam kết doanh nghiệp sẽ thực hiện tốt các trách nhiệm xã hội, nghiên cứu mở rộng đầu tư ra nhiều lĩnh vực mới trong đó có hạ tầng.

Văn phòng Chính phủ