VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN:

Xây dựng “Mỗi xã một sản phẩm” - Tại sao không?

(NTO) Có thể nói, qua hơn 10 năm thực hiện Nghị định 66/2006/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn trong cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng đã đạt được những kết đáng ghi nhận. Đó là, cùng với phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn có nhiều chuyển biến, không ít địa phương đã tổ chức sản xuất ngành nghề tại nông thôn, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, tạo nhiều việc làm cho lao động… Đã có một số doanh nghiệp, HTX, ngành nghề được thành lập, trở thành đầu mối tổ chức sản xuất, tìm kiếm thị trường, đưa KHCN vào sản xuất đồng thời đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn. Nhiều ngành nghề truyền thống được khôi phục và phát triển, như dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ, gốm Bàu Trúc, nghề dệt chiếu cói truyền thống An Thạnh tồn tại trên 300 năm; nghề Nước mắm Đông Hải, Cà Ná; Thủ công mỹ nghệ từ hạt cây rừng Cầu Gãy, Chế biến hải sản Mỹ Tân, Thủ công mỹ nghệ Tập Lá, Ma Nai; Đũa Sông Mỹ...đồng thời một số nghề phi nông nghiệp được hình thành...giải quyết việc làm thường xuyên hoặc thời vụ cho không dưới 1.000 lao động, góp phần đáng kể làm thay đổi diện mạo nông thôn, xây dựng nông thôn mới (NTM). Cùng với phát triển của các làng nghề truyền thống đã giúp giữ gìn bản sắc văn hóa, hỗ trợ kết nối du lịch, quảng bá giá trị văn hóa truyền thống, gắn kinh tế với văn hóa, phát triển du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân.

Du khách tham quan, mua sắm sản phẩm dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp (Phước Dân, Ninh Phước).

Tuy nhiên, thực tế cho thấy ngoài ba làng nghề còn có thể “trụ vững” (dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ; gốm Bàu Trúc) nhờ gắn kết với hoạt động du lịch, còn lại đa phần các nghề nông thôn chỉ sản xuất cầm chừng, nhỏ lẻ, thậm chí không còn hoạt động...Những hạn chế đã nêu có nhiều nguyên nhân, trong đó có thể kể đến nguyên nhân phổ biến là phần lớn các cơ sở sản xuất tại các làng nghề gặp khó khăn về vốn, tiếp cận tín dụng hạn chế, thiếu mặt bằng phải lấy nhà ở làm nơi sản xuất. Phát triển còn mang tính tự phát, sử dụng công nghệ lạc hậu, thiết bị máy móc chậm đổi mới. Đa số nhỏ lẻ, không đủ vốn đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất. Đó là chưa nói sản xuất chưa gắn với thị trường; khả năng xúc tiến thương mại còn hạn chế; các sản phẩm gắn với du lịch còn thiếu và yếu, việc phát triển làng nghề còn tản mạn, chưa thu hút nguồn lực để tạo ra sản phẩm làng nghề có khối lượng lớn đảm bảo sản xuất hàng hóa có sức cạnh tranh. Mặt khác, chất lượng sản phẩm, mẫu mã, kiểu dáng, bao bì chậm đổi mới, ít được cải tiến sáng tạo để đáp ứng nhu cầu thị trường, chưa chú trọng nhiều đến sản phẩm phục vụ du lịch. Ngoài ra, trình độ quản lý của hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất tại làng nghề còn thấp, chỉ làm theo kinh nghiệm, việc đào tạo, hướng dẫn, truyền nghề chưa được chú trọng đúng mức...Thu nhập của một số ngành (dệt chiếu, đan lát, thủ công mỹ nghệ) chưa cao nên chưa chưa thu hút được nhiều lao động tham gia. Đây cũng là cản ngại làm cho các nghề nông thôn khó phát triển.

Thực tế trong xây dựng NTM cho thấy, để phát triển nông thôn bền vững, vấn đề quan trọng hàng đầu là tổ chức phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Do đó, việc triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trong xây dựng NTM là cần thiết, gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp trên cơ sở phát huy vai trò chủ động lựa chọn sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh của người dân nông thôn. Để thực hiện tốt chương trình đã nêu cần phát triển và bảo tồn làng nghề, phát huy được giá trị văn hóa truyền thống trong các sản phẩm; tập trung các sản phẩm đã có thương hiệu, đồng thời tạo ra sản phẩm mới có sức cạnh tranh, gắn sản xuất với thị trường. Chương trình cần phải được nhân rộng và tạo ra sản phẩm có khối lượng lớn. Việc thực hiện chương trình phải tạo ra nhiều việc làm mới tại nông thôn; phải lấy người dân, các hộ gia đình là chủ thể sản xuất, lấy doanh nghiệp, HTX làm động lực trong sản xuất, tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tổ chức sản xuất…

Thiết nghĩ, thực hiện tốt điều đó thì việc triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” theo tinh thần Nghị định 66/2006/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh không phải là quá khó!.