Xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận dê Ninh Thuận

(NTO) Phát huy lợi thế vùng tiểu khí hậu nắng nóng quanh năm, tỉnh ta chú trọng phát triển đàn dê, loài vật nuôi có lợi thế về số lượng và chất lượng sản phẩm, có giá trị kinh tế cao. Theo số liệu thống kê, hiện tổng đàn dê trên toàn tỉnh ước khoảng 75.000 con, cao nhất nước. Sản phẩm thịt dê nuôi ở tỉnh ta được đánh giá giàu hàm lượng dinh dưỡng nhờ nguồn giống tốt, chăn thả trong điều kiện tự nhiên thuận lợi mà nơi khác không sánh được. Để nghề nuôi dê phát triển theo hướng bền vững, thời gian qua, tỉnh chú trọng chỉ đạo công tác lai tạo, chuyển giao giống dê Bách Thảo và các loại giống dê lai có khả năng kháng bệnh tốt, không kén thức ăn, chất lượng thịt cao. Đáng nói là đã hình thành các mối liên kết giữa hộ nuôi dê với doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm. Tiêu biểu như Cơ sở Kinh doanh dê, cừu Triệu Tín (xã Phước Thuận, Ninh Phước) đã đầu tư nâng cấp lò giết mổ, kho cấp đông với quy trình hiện đại, tạo thuận lợi trong bảo quản, chất lượng sản phẩm được nâng cao, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, bảo đảm tính chủ động và sẵn sàng trong việc cung cấp sản phẩm với khối lượng lớn cho khách hàng. Doanh nghiệp cũng liên kết với gần 90 hộ chăn nuôi dê theo chuỗi giá trị.

Nông dân xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) chăn nuôi dê Bách thảo theo mô hình "gia trại". Ảnh: Sơn Ngọc

Hoạt động chăn nuôi và chế biến thịt dê theo quy trình công nghệ tiên tiến đã tạo niềm tin để chủ các nhà hàng, khách sạn ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh tin tưởng nhập thịt dê Ninh Thuận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm về phục vụ khách hàng. Tuy nhiên, có thực tế khó khăn hiện nay là không dễ nhận biết thịt dê nuôi tại tỉnh ta bằng mắt thường, người tiêu dùng hay nhầm lẫn với sản phẩm kém chất lượng. Lợi dụng hạn chế này, một số thương lái mua dê ở nơi khác trà trộn với dê Ninh Thuận bán ra thị trường, ảnh hưởng đến những người làm ăn chân chính, vừa gây thiệt hại cho hộ nuôi lẫn người tiêu dùng.

Nhằm phát triển các sản phẩm đặc thù, tỉnh chỉ đạo ngành chức năng phối hợp thực hiện Dự án “Xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận dê Ninh Thuận”. Theo đó, dự án được triển khai vào tháng 12-2016, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay.

Đồng chí Phạm Thanh Hưng, Trưởng phòng Quản lý Công nghệ và Chuyên ngành (Sở KH&CN), cho biết: Qua khảo sát bước đầu cho thấy, trên địa bàn tỉnh có nhiều vùng đủ điều kiện nuôi dê chất lượng cao. Đặc biệt, khu vực phía Tây hồ Thành Sơn, thuộc thôn Đồng Dày, xã Phước Trung (Bác Ái) đảm bảo các điều kiện khí hậu, vùng chăn thả dê sạch. Dự án đang triển khai đúng tiến độ, có sự hợp tác của các địa phương và hộ chăn nuôi, khi nghiệm thu sẽ có tác động lớn cho nghề nuôi dê, khẳng định thương hiệu thịt dê Ninh Thuận trên thị trường. Việc đăng ký bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận dê Ninh Thuận có ý nghĩa thiết thực, giúp hộ chăn nuôi, cơ sở kinh doanh dê tạo lập và giữ vững thị trường, đưa đến một hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định. Khi thịt dê được dán Nhãn hiệu chứng nhận đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, khách hàng chấp nhận mua với giá cao để được sử dụng. Hoạt động phát triển Nhãn hiệu chứng nhận cũng góp phần đẩy lùi nạn hàng kém chất lượng, giúp người tiêu dùng an tâm khi lựa chọn sản phẩm tiêu dùng.