Cần khắc phục những rào cản để nâng cao Chỉ số PCI cấp tỉnh!

(NTO) Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) vừa công bố bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016. Theo đánh giá chung, trong năm qua bằng nhiều nỗ lực, nhất là đã có sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo các địa phương nên nhiều lĩnh vực được cải thiện đáng kể. Rõ nhất là ở lĩnh vực Gia nhập thị trường, tiếp theo là các lĩnh vực Đào tạo lao động, Tính năng động và Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể như, lĩnh vực Gia nhập thị trường: Nếu năm 2006, một doanh nghiệp tại tỉnh trung vị trung bình mất 20 ngày để đăng ký thành lập doanh nghiệp, thì nay chỉ mất 7 ngày. Lĩnh vực Đào tạo lao động: Mức độ hài lòng với chất lượng đào tạo lao động đã có chuyển biến đáng kể. Năm 2016, 47% doanh nghiệp tại tỉnh trung vị hài lòng với chất lượng giáo dục phổ thông của địa phương. Đồng thời, 33% cho biết họ hài lòng với chất lượng đào tạo dạy nghề. Về Tính năng động: Có 70,5% doanh nghiệp tại tỉnh trung vị cho biết “Tỉnh linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi”, cao hơn 10% so với mức thấp kỷ lục của chỉ tiêu này vào năm 2011. Lĩnh vực Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp: Phân tích sự thay đổi qua chuỗi thời gian cho thấy các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp như tìm kiếm thông tin thị trường, tư vấn pháp luật và tìm kiếm đối tác đang dần được cải thiện về chất lượng lẫn số lượng. Tuy vậy, tư vấn pháp luật, xúc tiến thương mại và các dịch vụ về công nghệ vẫn cần những chính sách khuyến khích để khối doanh nghiệp tư nhân tham gia thị trường này nhiều hơn.

Cán bộ Văn phòng Phát triển Kinh tế (EDO) hướng dẫn các doanh nghiệp lập thủ tục đăng ký kinh doanh.
Ảnh: Văn Miên

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận nêu trên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều lĩnh vực cần phải nỗ lực hơn nữa để cải thiện điểm số. Qua điều tra PCI 2016 cho thấy một số xu hướng đáng quan ngại rơi vào các lĩnh vực sau: Tính minh bạch: Điểm tiếp cận các loại tài liệu về kế hoạch (như ngân sách, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, các chính sách ưu đãi đầu tư...) và điểm tiếp cận các tài liệu pháp lý của các doanh nghiệp ở tỉnh trung vị năm nay, lần lượt là 2,39 và 3,10 điểm đã thấp hơn mức khởi điểm điều tra PCI năm 2006 (lần lượt là 2,63 và 3,15 điểm). Đáng quan ngại là mối quan hệ cá nhân với công chức nhà nước tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong khả năng tiếp cận các thông tin, tài liệu quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Năm 2016, 66% doanh nghiệp tại tỉnh trung vị cho biết phải sử dụng các mối quan hệ để tiếp cận thông tin, cao hơn 16 điểm phần trăm so với mốc thấp lịch sử năm 2008. Lưu ý rằng mức biến động của chỉ tiêu này tương đối mạnh, trồi sụt theo thời gian và chưa có xu hướng cải thiện ổn định, bền vững. Về Chi phí không thức: Năm 2016, trung bình có khoảng 66% doanh nghiệp tại tỉnh trung vị cho biết thường xuyên chi trả các khoản không chính thức, cao hơn 12-15 điểm phần trăm so với giai đoạn 2008-2013. 9%-11% doanh nghiệp tham gia điều tra từ năm 2014-2016 cho biết các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ, cao hơn hẳn mức 6-8% giai đoạn 5 năm trước đó. Ngoài ra, doanh nghiệp cho rằng tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp vẫn phổ biến, chỉ tiêu này dù được cải thiện trong 2 năm qua (giảm từ 65% năm 2013-2014 xuống còn 58% năm 2016) nhưng vẫn cao so với kết quả điều tra các năm trước đó. Về Chi phí thời gian thực hiện các thủ tục hành chính: Chỉ số này liên tục giảm và đang ở mức thấp lịch sử. Liên tục trong 3 năm qua, 2014-2016, tại tỉnh trung vị, cứ 3 doanh nghiệp thì 1 doanh nghiệp (tương ứng tỉ lệ khoảng 35%) phải dành trên 10% quỹ thời gian của mình để thực hiện thủ tục hành chính, một tỉ lệ cao kỷ lục trong khảo sát PCI… Nhiều giấy tờ thủ tục hơn, phải đi lại nhiều lần hơn, hiệu quả làm việc của cán bộ công chức thấp hơn, các thủ tục hành chính trên suốt chặng đường hoạt động của doanh nghiệp dường như chưa bao giờ thôi là “gánh nặng” đối với họ. Các lĩnh vực như về Tiếp cận đất đai, Cạnh tranh bình đẳng, Thiết chế pháp lý tuy có cải thiện nhưng so yêu cầu thực tế vẫn cần đẩy nhanh hơn nữa để hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển.

Đối với tỉnh ta, trong bảng “tổng sắp” năm 2016 xếp hạng thứ 49, xếp vào nhóm khá đứng trên các tỉnh Hưng Yên và Phú Yên tính từ dưới lên. Riêng trong 8 tỉnh khu vực miền Đông, đứng đầu nhóm khá là Bình Dương và Ninh Thuận đứng cuối bảng này nhưng trên Bình Phước (rơi vào nhóm trung bình). Điều đáng quan tâm là tuy giảm 7 bậc so với năm 2015 nhưng điểm số chỉ thấp hơn 0,26 so với năm 2015 (57,19/57,45). Trong 10 chỉ số thành phần có 3 chỉ số tăng điểm gồm: Chi phí không chính thức tăng 0,05 điểm, Cạnh tranh bình đẳng tăng 0,22 và Tính năng động chính quyền cấp tỉnh tăng cao nhất 0,95 điểm so năm 2015. Có 7 chỉ số giảm điểm, trong đó thấp nhất là Gia nhập thị trường giảm 0,03 điểm, cao nhất là Thiết chế pháp lý giảm 0,59 điểm. Chung quy lại, nếu nhìn vào biểu đồ thì hầu hết điểm số năm 2016 không chênh lệch gì mấy so với năm trước đó, tuy nhiên nhìn trên bình diện chung hầu hết các tỉnh, thành đều nỗ lực cải thiện các chỉ số thành phần nên đã tăng khoảng cách trong bảng xếp hạng…

Việc xếp hạng tuy chỉ mang tính tương đối nhằm đánh giá kết quả cải cách hành chính nhất là trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trên địa bàn tỉnh nhưng với những kết quả như đã nêu trên các cấp, ngành liên quan cần xem xét để quyết liệt khắc phục mới có thể cải thiện được thứ hạng của năm 2017.