NINH THUẬN - 25 NĂM MỘT CHẶNG ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN:

Chặng đường 25 năm phát triển của huyện vùng cao Bác Ái

(NTO) Từ ngày tái lập tỉnh (4-1992), nhất là giai đoạn từ khi huyện Bác Ái được tái lập (năm 2001) đến nay có bước phát triển vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực.

Nổi bật là sản xuất nông nghiệp chuyển từ “tự cung tự cấp” sang tập trung hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo nhanh và bền vững. Trở lại thời điểm cách đây 25 năm, sản xuất nông nghiệp ở địa bàn Bác Ái gặp khó khăn về thời tiết khô hạn và thiếu nước tưới. Tổng diện tích đất nông nghiệp có khả năng canh tác lúc bấy giờ khoảng 8.500 ha, nhưng hằng năm chỉ gieo trồng được 50%, năng suất thấp dẫn đến thiếu đói giáp hạt. Tri ân bà con vùng Chiến khu cách mạng xưa, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi giúp Bác Ái vững bước đi lên. Thời điểm đáng nhớ nhất là vào năm 2001 khi huyện Bác Ái được tái lập, với nhiều chính sách, cơ chế đặc thù được vận dụng, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế giúp huyện miền núi phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho Nhân dân. Từ các chương trình hỗ trợ nông cụ sản xuất, đất sản xuất, vốn ưu đãi cho các hộ nghèo, cùng với sự vào cuộc tích cực của ngành chức năng, chính quyền các cấp giúp đỡ nông dân áp dụng khoa học và kỹ thuật vào sản xuất làm tăng năng suất cây trồng lên đáng kể. Nếu như năm 1992, năng suất hai loại cây lương thực chủ lực (bắp, lúa) chỉ đạt bình quân 2 - 2,5 tấn/ha, thì hiện nay tăng lên 5 - 6 tấn/ha.

 Huyện Bác Ái trên đường phát triển. 

Dấu ấn để nông nghiệp Bác Ái phát triển theo hướng bền vững đó là năm 2004 được Nhà nước đầu tư 300 tỷ đồng xây dựng hồ Sông Sắt phục vụ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. Đây là công trình thủy lợi có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế của huyện. Với dung tích thiết kế 70 triệu m3, hồ chứa cung cấp nước tưới cho gần 4.000 ha đất canh tác, biến các vùng đất khô cằn thành những cánh đồng lúa bắp, mỳ trải dài. Không dừng lại đó, năm 2009 hồ Trà Co (Phước Tiến) đi vào sử dụng phục vụ tưới tự chảy cho gần 1.000 ha, góp phần mở rộng diện tích đất canh tác tăng gấp 3 lần so với ngày đầu tái lập huyện. Cũng từ đầu tư hệ thống thủy lợi đồng bộ, phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp mà hiện nay trên địa bàn đã hình thành các vùng cây trồng tập trung, quy mô lớn như: mía đường ở xã Phước Thành; cây mì, bắp lai ở Phước Đại, Phước Chính; lúa nước ở Phước Tiến; cây ăn quả ở Phước Bình…, giúp nông dân tăng thu nhập, thoát nghèo trên chính đồng đất của mình. Có thể nói, sản xuất trên địa bàn phát triển không ngừng, từ canh tác lạc hậu với hình thức “chọc lổ tra hạt” ban đầu, đến nay Bác Ái đang hướng đến xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đơn cử, mô hình trang trại chăn nuôi heo liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, cho thu nhập cao đang ngày được mở rộng. Huyện cũng vinh dự được tỉnh chọn triển khai Dự án Nông nghiệp công nghệ cao tại xã Phước Tiến, quy mô 300 ha, dự kiến khởi công xây dựng trong năm nay.

Nông dân xã Phước Chính đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.

Theo đánh giá của các nhà quản lý kinh tế, có rất nhiều chương trình ưu đãi của Nhà nước làm “đòn bẩy” để Bác Ái “cất cánh”, nhưng phải kể đến Chương trình 30a của Chính phủ mới thực sự đem lại sự đổi mới Bác Ái một cách toàn diện nhất. Chỉ từ năm 2009 đến nay, được sự đầu tư của Nhà nước, cùng với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức, doanh nghiệp và các chương trình lồng ghép khác, với tổng nguồn vốn trên 1.000 tỷ đồng, đã tạo điều kiện cho huyện phát triển kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, mạng lưới giao thông lan tỏa rộng khắp từ trung tâm huyện đến các xã, thôn. Hệ thống điện, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt… được đầu tư xây dựng đồng bộ, góp phần làm bộ mặt huyện nhà thêm khởi sắc. Trở lại thời gian cách đây 25 năm, hầu hết các tuyến đường giao thông ở Bác Ái bằng đất đá lổm chổn, thì nay đã được nhựa hóa, bê-tông hóa, xe cơ giới đến được tận ngõ các làng, xã. Ngày nay, đi trên những con đường nhựa băng rừng, vượt suối mới thấy được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước chăm lo cho huyện Bác Ái anh hùng rất lớn.

Chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh huy động các nguồn lực tạo điều kiện cho Bác Ái phát triển là không “đong đếm” được. Ngày đầu tái lập tỉnh, mặc dù còn khó khăn nhưng tỉnh đặc biệt quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục vùng cao. Dấu ấn quan trọng là tỉnh đã ban hành các chính sách thu hút đội ngũ giáo viên có tâm, có tầm về phục vụ miền núi; tạo điều kiện cho con em đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đến trường mở mang kiến thức. Theo số liệu thống kê, ngày đầu tái lập huyện, trên địa bàn Bác Ái chỉ có 4 lớp bậc THCS, đến nay tăng lên 60 lớp, với gần 1.300 học sinh. Từ chỗ tỷ lệ mù chữ chiếm trên 50%, đến nay huyện đã đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ, 100% số xã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Sự đổi thay về giáo dục vùng cao đã nâng cao dân trí của bà con nơi đây, lớp thanh niên Bác Ái hôm nay được trang bị nền tảng kiến thức cơ bản để tiếp thu thành tựu khoa học mới, đáp ứng yêu cầu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Nông dân Xã Phước Bình thu hoạch cà phê . Ảnh:VM

Thành tựu đạt được là rất tự hào, nhưng Bác Ái vẫn còn đó những khó khăn, thách thức, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, qua rà soát hộ nghèo theo chuẩn mới vào cuối năm 2016, còn chiếm trên 58%. Đồng chí Mẫu Thái Phương, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Để hướng tới giảm nghèo nhanh và bền vững, định hướng của huyện trong thời gian tới là chú trọng sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho Nhân dân. Tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 1-7-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII về phát triển kinh tế - xã hội miền núi giai đoạn 2016-2020. Phấn đấu đạt mục tiêu giảm nghèo bình quân từ 5 - 6%/năm; thực hiện tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống cho Nhân dân.