Đà Lạt mùa phượng tím

(NTO) Tháng Ba, thành phố Đà Lạt ngập tràn sắc hoa phượng tím. Khắp nơi trong thành phố, ở đâu cũng có thể bắt gặp một màu lam tím nhạt. Vẻ đẹp kiêu sa, dịu dàng của phượng tím khiến Đà Lạt thêm vẻ lãng mạn và nên thơ.

Nhắc tới phượng tím không thể không nhắc tới nữ tiến sĩ (TS) Hà Ngọc Mai, một trong những người đã có công mang giống hoa này từ nước ngoài về trồng và nhân rộng tại Đà Lạt. TS Hà Ngọc Mai cùng với chồng là tiến sĩ khoa học (TSKH) Trần Hà Anh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu hạt nhân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng là những trí thức Việt kiều đầu tiên đã trở về Đà Lạt làm việc sau ngày thành phố giải phóng và họ đã gắn bó, chứng kiến biết bao đổi thay của thành phố từ đó đến nay.

Trong căn biệt thự xinh xắn và tất nhiên không thể thiếu loài hoa phượng tím trên đường Phù Đổng Thiên Vương (Đà Lạt), nữ TS Hà Ngọc Mai bồi hồi nhớ lại:

“Theo lời kêu gọi của Nhà nước và nguyện vọng cá nhân, tháng 5 năm 1978, vợ chồng tôi cùng 2 con nhỏ rời nước Pháp trở về Việt Nam. Nhà tôi tốt nghiệp Tiến sĩ Khoa học ngành Vật lý hạt nhân Đại học Paris 11 và Kỹ sư tại Trường Bách khoa Paris, là chuyên gia trong ngành an toàn hạt nhân và đang phụ trách nhóm phân tích an toàn hạt nhân cho chương trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân của Pháp, còn tôi là chuyên gia về công nghệ sinh học, tốt nghiệp Tiến sĩ tại Đại học Pa-ri 11, nên cả 2 vợ chồng được bố trí công tác tại Đà Lạt”.

Vợ chồng tiến sĩ Hà Ngọc Mai bên loài hoa phượng tím.

TS Hà Ngọc Mai nhớ lại, sau giải phóng mặc dù chính quyền cách mạng cùng nhân dân đã hết sức cố gắng để khắc phục những hậu quả của chiến tranh, nhưng Đà Lạt vẫn là một thành phố nhỏ bé, tiêu điều, thiếu thốn trăm bề. Với gia đình TS Hà Ngọc Mai, dù đã được hưởng chính sách ưu đãi đặc biệt của Nhà nước nhưng tiền lương của cả 2 vợ chồng vẫn không đủ ăn. Để cải thiện cuộc sống, hai vợ chồng phải trồng thêm rau, nuôi thêm gà vịt và các loại gia cầm khác. “Là những nhà khoa học, chúng tôi chỉ muốn dành mọi tâm huyết, thời gian cho công việc chuyên môn nhưng lại phải mất nhiều thời gian “đánh vật” với những nắm gạo hẩm chứa đầy sạn, những sợi mì mốc meo để có những bữa ăn cho cả gia đình. Đó là những điều mà trước đó chúng tôi chưa từng gặp phải” -TSKH Trần Hà Anh cho biết.

Theo TSKH Trần Hà Anh, 42 năm qua, Đà Lạt đã có những bước chuyển mình ấn tượng. Từ một đô thị nhỏ bé chỉ với vài ba khu phố ngày mới giải phóng, đến nay Đà Lạt đã phát triển thành đô thị loại I với quy mô, diện tích tự nhiên và dân số lớn gấp đôi so với năm 1975. Không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Lâm Đồng, Đà Lạt còn trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước, một trung tâm giáo dục-đào tạo và nghiên cứu khoa học của vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Thành phố hiện có lực lượng trí thức, nhà khoa học khá đông đảo, chất lượng tốt, có nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm đào tạo như: Đại học Đà Lạt, Học viện Lục quân, Đại họcYersin, Viện Nghiên cứu hạt nhân, Viện Sinh học TâyNguyên, Phân viện Pasteur, các trường cao đẳng, trung cấp... là điều kiện thuận lợi để thành phố tận dụng và phát huy nguồn chất xám cho sự phát triển. Thành phố đã và đang xây dựng được nền nông nghiệp hiện đại theo hướng công nghệ cao, tạo bước đột phá về chất lượng và hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, biến Đà Lạt trở thành “thủ phủ” rau, hoa công nghệ cao của cả nước. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, Đà Lạt vẫn giữ được môi trường tự nhiên trong lành, vẻ mộng mơ cùng với nét văn hóa thanh lịch, hiền hòa, mến khách.

Phượng tím nhuộm một góc sân chùa.

Riêng với phượng tím thì lâu nay, người ta vẫn biết tới 2 người đã có công mang giống hoa này từ nước ngoài về và nhân rộng tại Đà Lạt đó là kĩ sư Lương Văn Sáu và TS Hà Ngọc Mai. Kĩ sư canh nông Lương Văn Sáu từng tốt nghiệp đại học tại Pháp, là người đầu tiên mang loài cây này về trồng tại Đà Lạt từ những năm 60 của thế kỉ trước. Tuy nhiên do số lượng quá ít ỏi lại trồng cách xa nhau nên dù trổ bông rất đẹp nhưng lại không đậu quả và hạt, vì phượng tím vốn là loài cây thụ phấn chéo, do đó việc nhân rộng rất khó khăn.

Vào cuối những năm 90 của thế kỉ trước, khi có dịp sang Australia thăm con gái, nữ TS Hà Ngọc Mai thấy ở đó có rất nhiều phượng tím nên đã đích thân mang hạt phượng tím về ươm trong vườn thực nghiệm của Viện hạt nhân Đà Lạt. Sau khi phát triển thành cây non, phượng tím được bà tặng, bán cho các nhà vườn, vườn ươm, công ty công trình đô thị trồng nhiều trong các biệt thự, đường phố, công viên. Nhờ hợp thổ nhưỡng cộng với mật độ dày, thuật lợi cho việc thụ phấn nên phượng tím phát triển rất nhanh, trổ bông đẹp. Nhờ đó Đà Lạt có thêm những “khoảng trời” và vệt sắc tím mộng mơ mỗi khi tháng Ba về.

Ngoài giống phượng tím, hiện gia đình TS Hà Ngọc Mai còn sở hữu 1 cây phượng có hoa màu trắng tinh khôi, độc đáo duy nhất ở Việt Nam. “Tôi đang cố gắng nghiên cứu làm sao có thể lai tạo và nhân rộng loài hoa này để ngoài sắc hoa phượng đỏ quen thuộc, Đà Lạt và nhiều nơi khác có sẽ có thêm 2 màu hoa phượng trắng và tím biếc”- TS Hà Ngọc Mai hào hứng cho biết.