Đôi điều suy nghĩ nhân ngày thầy thuốc Việt Nam 27-2

(NTO) Ngày 27-2, ngày mà các thầy thuốc Việt Nam được Đảng, Nhà nước và Xã hội tôn vinh.

Đó là niềm vinh dự, tự hào của toàn ngành Y tế, bởi vì: Không có ngành nào như ngành y, học đại học dài nhất 6 năm, sau đó phải đi làm việc tại các bệnh viện, trung tâm để thực hành tay nghề, ôn lại các năm học lý thuyết cơ bản ở trường, sau đó đi học tiếp các bằng cấp như chuyên khoa cấp I, cấp II, Thạc sĩ, Tiến sĩ và các học vị cao hơn nữa, phải mất 5 đến 10 năm mới thành thầy thuốc thực thụ, sau 10 đến 15 năm mới có thể thành thầy thuốc có kinh nghiệm. Muốn trở thành các thầy thuốc có kinh nghiệm phải qua bao thăng trầm học thầy, học bạn, học sách vở, nghiên cứu tài liệu, đúc kết các kinh nghiệm trong quá trình khám chữa bệnh… Người thầy thuốc muốn có tay nghề tốt thì phải có năng lực thực hành, năng lực học tập và luôn luôn trau dồi đạo đức nghề nghiệp. Thầy thuốc là người chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Dưới con mắt của người thầy thuốc, người bệnh không chỉ là người với những đặc điểm, tính cách, cảm xúc không phải do bệnh tật đem đến mà còn do cả cuộc đời chi phối. Người bệnh không ai muốn vào bệnh viện, một người nhập viện là “lấy đi” nhiều niềm vui của người khác, nhất là những căn bệnh trầm trọng, hiểm nghèo. Vì vậy sự chăm sóc, cảm thông, chia sẻ, sự động viên của người thầy thuốc sẽ là những động lực giúp người bệnh có thêm niềm tin để chiến thắng bệnh tật. Cử chỉ và lời nói của thầy thuốc gây ấn tượng và sự nhạy cảm nhanh nhất đối với người bệnh, nếu những lời nói khó nghe hoặc có sự đối xử thiên lệch giữa các bệnh nhân sẽ gây cho người bệnh nỗi đau về tinh thần bên cạnh nỗi đau về thể xác do bệnh tật gây ra. Do đó thầy thuốc phải biết làm những việc tốt đẹp, nhân hậu, phải nắm vững chuyên môn, chẩn đoán đúng và đưa ra phác đồ điều trị có hiệu quả. Muốn vậy ngoài kiến thức đã học trên ghế nhà trường không ngừng trau dồi nghiệp vụ, thường xuyên đọc sách báo chuyên môn, học tập kinh nghiệm của các đồng nghiệp và phải học suốt đời, học để sợ cái gì đó chưa làm được, học vì bệnh nhân. Từ đó đúc rút kinh nghiệm để phục vụ và điều trị bệnh nhân ngày càng tốt hơn. Cho nên, người thầy thuốc không giấu yếu kém của mình, không quan liêu, thiếu trách nhiệm, vì khi xảy ra một lỗi lầm hay thiếu sót dù nhỏ nhất đều có thể gây tai hại lớn nhất cho bệnh nhân và ngành y, không gì có thể bù lại được.

Đội ngũ hầy thuốc Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh tận tâm điều trị bệnh nhân. Ảnh: Sơn Ngọc

Thầy thuốc chân chính thời nào cũng lấy chữ tâm làm đầu, xem khám bệnh, điều trị cứu người làm lẽ sống. Mặc dù với đồng lương khiêm tốn, hằng ngày phải lo cơm áo, gạo tiền nhưng người thầy thuốc không quên nhiệm vụ: đêm đêm túc trực bên giường bệnh, canh từng hơi thở, đổ từng giọt mồ hôi để cứu từng bệnh nhân qua cơn nguy kịch, và họ cũng chia sẻ với những bệnh nhân bất hạnh không vượt qua bàn tay “tử thần”.

Tôi và các cán bộ, viên chức đã làm việc nhiều năm trong môi trường bệnh viện, phải chịu nhiều áp lực từ mọi phía như thiếu nhân lực bác sĩ, trang thiết bị, cơ sở vật chất còn hạn hẹp nên chăm sóc và điều trị bệnh nhân chưa được tốt lắm. Bên cạnh đó, do cơ chế thị trường khám chữa bệnh phải mất tiền, đôi khi đồng tiền đã làm “méo mó” thái độ của thầy thuốc đối với bệnh nhân và của bệnh nhân đối với thầy thuốc. Có lúc bệnh nhân, người nhà chưa vào đến khoa phòng, họ đã ầm ĩ như mình là người quan trọng nhất, nếu kíp trực chưa kịp xử lý bệnh, chưa giải thích kịp thời thì người nhà đã la ó xúc phạm thầy thuốc. Và, chúng tôi cũng rất buồn khi có lúc người ta còn vin vào hai từ “y đức” mà sách nhiễu, đòi hỏi, thậm chí hành hung nhân viên y tế…tuy nhiên cả kíp trực vẫn âm thầm, lặng lẽ, thoăn thoắt luôn chân, luôn tay với vẻ mặt đầy căng thẳng, không có thời gian đối đáp vì còn quá nhiều việc phải làm và phải phục vụ cấp cứu cho bệnh nhân. Nếu thầy thuốc có sơ suất nhỏ trong lời giải thích rất có thể bị quy kết là thiếu y đức!. Tôi và các bạn đồng nghiệp đôi khi đành cam chịu với nổi buồn vô hạn. Tôi nghĩ nghề gì, ngành gì cũng có đạo đức nghề nghiệp. Tôi và các đồng nghiệp trong bệnh viện luôn tự nhủ, khi đã vào nghề thì phải tự hào và làm tròn trách nhiệm tốt nhất mà mình được phân công.

Hơn lúc nào hết, bản thân tôi cũng như những cán bộ nhân viên y tế khác luôn chủ động rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, tu dưỡng y đức, làm những việc thiết thực trong công tác khám chữa bệnh để phục vụ bệnh nhân ngày càng tốt hơn, xứng đáng với truyền thống “Thầy thuốc như mẹ hiền”, và xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.