CHUYỆN NHƯ ĐÙA:

Giải quyết ""nỗi buồn"" và văn minh đô thị !

(NTO) Trước Tết, nhân có nhóm bạn ngoài tỉnh ghé thăm quê xứ sở “gió cát”, tôi phải làm hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ, đưa bạn đi thăm thú nhiều nơi quê mình.

 Nhớ lại buổi sáng hôm đó, nhóm bạn đang thả dài bóng trên bãi biển Bình Sơn–Ninh Chử để “săn” những bức ảnh đẹp nhân lúc bình minh đang lên thật vô cùng sinh động và tôi cũng quá đỗi tự hào vì quê nhà có nhiều cảnh đẹp, nhiều địa danh đắt giá đến thế! Đột nhiên, trong nhóm có bạn nữ đang vui vẻ đến thế, chợt ôm bụng… và dáo dác tìm nơi để cấp tốc giải quyết “nỗi buồn” đang… dâng cao. Đi dọc ven bờ, suốt từ Công viên biển Bình Sơn đến Khách sạn Sài Gòn–Ninh Chử, cả nhóm tìm không ra một nhà vệ sinh công cộng nào. Đánh bạo “xin” bảo vệ các khách sạn lân cận để “đi nhờ” thì gặp những cái lắc đầu vô cảm… bạn tôi đành phải nhảy đại vào ô tô của mình để… giải quyết “nỗi buồn”. Bây giờ nhớ lại, thực sự lúc đó tôi cảm thấy mình như… người có lỗi với bạn vì phục vụ… du khách chưa đến nơi đến chốn. Có mà chết tôi không cơ chứ!

Phải thấy rằng nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh cũng như Tp. Phan Rang–Tháp Chàm đã có nhiều cố gắng, không ngừng đầu tư kết cấu hạ tầng để phục vụ dịch vụ du lịch ngày càng phát triển. Môi trường, cảnh quan đô thị, diện mạo du lịch… được cải thiện, đổi mới kịp thời để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, nhất là khách ngoài nước. Từ đó, mới thấy sức hút kỳ lạ, cái duyên “tiềm ẩn” của miền gió cát Phan Rang, Ninh Thuận quan trọng đối với “ngành công nghiệp không khói” là như thế nào. Cứ nhìn vào con số 1,7 triệu lượt du khách ghé thăm trong năm qua và nhất là lượng khách đến vào dịp Tết Đinh Dậu vừa rồi thì khắc biết!

Có nói, có bộc bạch ra mới biết, việc bạn tôi gặp sự cố… “nỗi buồn” được giải quyết một cách khó khăn như nói trên là một việc… hết sức bức xúc của du khách! Đó chỉ là mới nói đến khu vực bãi biển, còn thì nhìn vào thành phố chúng ta thì sao? Các tuyến phố chính như Thống Nhất, Ngô Gia Tự, Trần Phú, 16 Tháng 4, Lê Hồng Phong… và một số con đường nội đô khác nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm, ẩm thực, vui chơi giải trí của du khách, đi từ đầu cho đến cuối con đường, du khách sẽ… khó mà tìm thấy một cái nhà vệ sinh công cộng nào. Nếu lúc đó, du khách đột nhiên có “nỗi buồn” thì chỉ có nước… độn thổ hay tàng hình cho rồi, chứ đừng có nói chi tới chuyện vui chơi với giải trí!

Vừa rồi qua các phương tiện thông tin, mới hay ở 2 thành phố lớn đã tiến hành xử phạt các bác “tè bậy” nơi công cộng, với mức từ 2-3 triệu đồng cho mỗi hành vi. Và cũng… nghe nói, từ nhiều năm trước, ở Singapore phạt ở mức 16 triệu, Malaysia nâng lên 25 triệu đồng… ở hành vi này. Ấy thế mà các bác “tè bậy” vẫn… không tởn! Tôi rất hoan nghênh việc thực hiện biện pháp xử phạt nói trên, nhằm nâng cao tinh thần bảo vệ môi trường, cảnh quan phố thị. Còn ở thành phố chúng ta, tình trạng “tè bậy” diễn ra hết sức… phổ biến. Vào ban ngày, nhan nhản cứ nơi gốc cây, trụ điện… từng lúc, từng nơi đều có người… trấn giữ. Còn về ban đêm, chắc là miễn bàn, nó được thực hiện tràn lan ngay tại ranh rào trường học, công sở, đầu các con hẺm tối… gây ô nhiễm môi trường ghê gớm!

Vậy thì trong xu hướng phát triển đô thị và đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch, chắc rằng các nhà quản lý chúng ta cần ưu tiên đầu tư nhà vệ sinh công cộng, bảo đảm sạch sẽ, thông thoáng để phục vụ người dân tại các tuyến phố chính, các tụ điểm du lịch, vui chơi giải trí, thực hiện văn minh phố thị. Và… lúc đó, chúng ta mới tiến hành thực hiện xử phạt hành chánh các bác “tè bậy”, để bảo vệ môi trường, cảnh quan xanh-sạch của thành phố!