Thông tư 22: Nhiều thuận lợi cho giáo viên Tiểu học đánh giá học sinh

(NTO) Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt đầu triển khai từ ngày 6-11- 2016 nhằm điều chỉnh, khắc phục những bất cập, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT, ngày 28-8- 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đánh giá học sinh (HS) tiểu học.

Sự điều chỉnh này được cán bộ quản lý, giáo viên dạy bậc tiểu học đánh giá có nhiều yếu tố tích cực, giảm áp lực ghi chép nhận xét từng HS để tập trung các điều kiện khác giúp các em học tích cực và có tiến bộ hơn.

Giờ lên lớp của giáo viên, HS trường Tiểu học Thanh Sơn.

Có thể nhận thấy, qua bước đầu thực hiện Thông tư 22 đã nhận được nhiều ý kiến tích cực từ giáo viên, hiệu trưởng các trường tiểu học, đa số đều cho rằng những điều chỉnh này tạo điều kiện đánh giá hoạt động học tập, năng lực, phẩm chất của HS rõ nét hơn. Giáo viên được giảm tải sổ sách ghi chép nhận xét đối với từng HS. Cô giáo Nguyễn Thị Khuyên, Hiệu trưởng Trường TH Thanh Sơn (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm) cho biết: Thông tư 22 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đánh giá HS TH trên cơ sở hoàn thiện thay cho Thông tư 30 có rất nhiều ưu điểm, thuận lợi cho các giáo viên. Thứ nhất, đã giảm bớt được một phần về hồ sơ sổ sách; quy định rõ ràng hơn về khen thưởng và mức đánh giá HS. Dẫn chứng cho vấn đề trên, cô Khuyên so sánh: Ở Thông tư 30 trước đây đối với mức đánh giá định kỳ về học tập thì chỉ có 2 mức đánh giá: Hoàn thành và chưa hoàn thành, còn ở Thông tư 22 bổ sung thêm 3 mức đánh giá: Hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành. Tương tự, ở mức đánh giá định kỳ về năng lực, phẩm chất, trong Thông tư 30 chỉ có 2 mức đánh giá: Đạt và chưa đạt còn ở Thông tư 22 đã có 3 mức đánh giá: Tốt, đạt, cần cố gắng. Ngoài ra ở thông tư 22 thì giáo viên được trao quyền tự chủ theo dõi sự tiến bộ của HS, ghi chép những lưu ý với HS có nội dung chưa hoàn thành hoặc có khả năng vượt trội nhằm tự mình nắm bắt thông tin và sử dụng khi cần.

Cùng quan điểm trên, cô giáo Trần Thị Ngọc Thoa, giáo viên lớp 1, Trường TH Tấn Tài 3 (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) cho rằng: Thông tư 22 bổ sung, sửa đổi không bắt buộc giáo viên phải nhận xét HS 100% như Thông tư 30 trước đây, điều này đã giảm tải cho các giáo viên. Khi các em HS làm bài đúng rồi thì giáo viên chỉ cần nhận xét bằng lời trên lớp mà không cần phải viết nhận xét vào vở nữa, chỉ nhận xét vào vở khi cần thiết để phụ huynh nắm bắt và có hướng giúp đỡ thêm các em. Bên cạnh đó thì hồ sơ, sổ sách của giáo viên cũng giảm tải rất nhiều so với trước đây, việc xếp loại đánh giá HS cũng rõ ràng hơn.

Cô giáo Lâm Thị Phú, Hiệu trưởng Trường TH Tấn Tài 3 cho biết: Sau khi được tập huấn về Thông tư 22, nhà trường đã triển khai thực hiện từ tháng 12-2016, qua thời gian ngắn áp dụng cho thấy Thông tư 22 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 30 trước đây đều rất hợp lý và tạo thuận lợi rất nhiều cho giáo viên cũng như phụ huynh trong việc giảng dạy, đánh giá và theo dõi HS. Nếu như Thông tư 30 quy định việc khen thưởng HS một cách chung chung thì Thông tư 22 đã rõ ràng hơn thông qua việc khen thưởng HS học xuất sắc ở một bộ môn, ở một mặt nào đó. Với Thông tư 22, còn đề cập rõ vai trò đánh giá chính thuộc về nhà trường, giáo viên không phải dùng nhiều sổ sách để nhận xét HS nữa mà thay vào đó là tập trung, chủ động hơn vào công tác giảng dạy HS.

Có thể thấy, mặc dù Thông tư 22 mới có hiệu lực từ ngày 6-11-2016 và các trường TH trên địa bàn tỉnh cũng mới triển khai, áp dụng nhưng hầu hết các giáo viên tỏ ra phấn khởi vì thuận lợi hơn trong giảng dạy.