Tương lai cho nguồn nhân lực

Đảng bộ, chính quyền đặc biệt quan tâm chăm lo đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nâng cao dân trí tham gia xây dựng tỉnh nhà.

Trước mùa xuân mới 2011, Thạc sĩ Nguyễn Hồng Liêu, Giám đốc Sở GD&ĐT dành thời gian “ôn cố tri tân” sau một năm tất bật: "Năm 2010 vừa qua, ngành GD&ĐT nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp đổi mới công tác quản lý, bàn giao trách nhiệm dạy học đến từng giáo viên. Huy động mọi nguồn lực xã hội chăm lo nâng cao chất lượng dạy và học thực chất, đáp ứng nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh nhà trong thời kỳ hội nhập kinh tế”.

Sự ra đời của Phân hiệu Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận vào cuối năm 2010 đánh dấu thành tựu mới trong tiến trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế tỉnh nhà. Tiến sĩ Nguyễn Lê Hưng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh kiêm Phân hiệu trưởng và Phó Giáo sư- Tiến sĩ Phạm Văn Hiền, Phó phân hiệu trưởng là những nhà giáo đầu tiên đặt nền móng xây dựng nền giáo dục đại học chính quy tỉnh Ninh Thuận. Phân hiệu khai giảng năm học 2010- 2011 chỉ có 24 sinh viên là con em Ninh Thuận và 15 nghiên cứu sinh hệ cao học chuyên ngành kinh tế. Phân hiệu tiếp tục tuyển sinh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Ninh Thuận và các tỉnh khu vực Nam Trung bộ.

Sự nghiệp GD-ĐT tỉnh ta ngày càng phát triển cả về quy mô trường lớp và chất lượng dạy học. Giai đoạn 2006- 2010 đặt dấu ấn thành tựu mới xóa trường lớp ca ba và phủ kín cơ sở giáo dục THPT đến địa bàn bảy huyện, thành phố. Tính đến đầu năm học 2010- 2011, toàn tỉnh có 17 trường THPT, 60 trường THCS, 146 trường tiểu học, 100 cơ sở giáo dục mầm non thu hút trên 129 ngàn học sinh các cấp học đến trường. Chính phủ đầu tư nhiều tỉ đồng thực hiện dự án kiên cố hóa trường lớp bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động dạy học và nhà công vụ cho giáo viên các xã vùng đặc biệt khó khăn. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên hiện có 6.720 người đạt chuẩn và trên chuẩn chuyên môn đáp ứng nhu cầu giáo dục các cấp học.

Tiến sĩ Phùng Xuân Thọ, đại diện Trường Đại học Đà Nẵng trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị kinh doanh và Kế toán.

Hàng năm, tỉnh ta có trên 4.500 học sinh tốt nghiệp THPT và GDTX THPT và có trên 2.500 học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Trong đó có nhiều em đỗ thủ khoa, á khoa các trường đại học danh tiếng tại thành phố Hồ Chí Minh cung cấp nguồn nhân lực trẻ tham gia xây dựng đất nước. Các trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và Chu Văn An được xếp hạng tốp 200 trường THPT có học sinh đạt điểm cao kỳ thi đại học năm 2010. Trung tâm Giáo dục Thường xuyên liên kết đào tạo hệ tại chức, từ xa cho gần 2.000 người có trình độ đại học chuyên ngành. Trường CĐSP Ninh Thuận đào tạo đội ngũ giáo viên đạt chuẩn trung cấp, cao đẳng chuyên môn đáp ứng nguồn nhân lực phát triển sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà. Tổ chức Hội Khuyến học từ tỉnh đến cơ sở hoạt động hiệu quả huy động được sức mạnh của toàn xã hội chung tay chăm lo đưa sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà phát triển lên tầm cao mới.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII xác định nhiệm vụ trọng tâm sự nghiệp GD&ĐT tỉnh ta, giai đoạn 2011- 2015 là tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của tỉnh cho giai đoạn mới. Phấn đấu đến năm 2015 có 30% trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, 50% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. Đẩy mạnh chương trình hợp tác và tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước thành lập các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Thành lập và đưa vào hoạt động Trường Trung cấp Y tế, phân hiệu các trường: Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Điện lực, Đại học Thủy lợi. Đầu tư nâng cấp chuyển Trường CĐSP thành Cao đẳng đa ngành, Trường Trung cấp Nghề lên Cao đẳng Nghề. Chuẩn bị đủ các yếu tố cần thiết để thành lập Đại học Ninh Thuận khi có đủ điều kiện.

Đảng bộ, chính quyền đặc biệt quan tâm chăm lo đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nâng cao dân trí tham gia xây dựng tỉnh nhà. Hệ thống trường lớp được mở rộng từ miền núi đến đồng bằng bảo đảm điều kiện học tập của học sinh. Các bậc phụ huynh đầu tư con em ăn học thành đạt là điều kiện quan trọng vừa bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm vừa tham gia xây dựng đất nước. Chào đón mùa xuân mới mở ra nhiều triển vọng mới cho ngành GD&ĐT gặt hái nhiều thành tựu mới cho sự nghiệp trồng người của tỉnh ta trong thời kỳ hội nhập, phát triển .