Hiệu quả từ mô hình “Tổ tư vấn tâm lý- pháp lý quân nhân”

(NTO) Thực tế một số cán bộ, chiến sĩ tuổi đời còn trẻ, kinh nghiệm thực tiễn cuộc sống, công tác chưa nhiều, nhận thức, bản lĩnh chưa đầy đủ, giao động trước những khó khăn của gia đình, đơn vị, định hướng tương lai, chuyện tình yêu đôi lứa…; trong khi đó để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, yếu tố tư tưởng, tâm lý, tinh thần đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, đầu năm 2012, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện mô hình “Tổ tư vấn tâm lý-pháp lý quân nhân” (TTV).

Qua 5 năm triển khai, đến nay đã có 19 TTV với 95 thành viên, được thành lập ở 17 cơ quan, đơn vị trong LLVT tỉnh. Mỗi TTV có từ 5 đến 9 thành viên, gồm những đồng chí có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kiến thức, hiểu biết về pháp luật, các mặt đời sống tâm lý, xã hội, có phương pháp giao tiếp, ứng xử. Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức một lớp bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng tư vấn cho 138 đồng chí là cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị và TTV các cơ quan, đơn vị. Các TTV đều xây dựng quy chế, chương trình, kế hoạch hoạt động. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các tổ chức trong đơn vị như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội đồng quân nhân, Tổ Bảo vệ, Tổ Dân vận, với gia đình, địa phương; thông qua sinh hoạt, giao lưu, diễn đàn thanh niên, tọa đàm trao đổi, hoạt động phong trào, hái hoa dân chủ…để cán bộ, chiến sĩ tranh luận làm rõ vấn đề, thống nhất nhận thức, định hướng hành động.

Với các hình thức tư vấn trực tiếp, tư vấn qua điện thoại, tư vấn qua bạn bè, người thân, qua hộp thư điện tử, 5 năm qua TTV các cơ quan, đơn vị LLVT tỉnh đã tư vấn cho 750 lượt cán bộ, chiến sĩ có những vướng mắc trong cuộc sống và công tác. Trong đó có 8 trường hợp không yên tâm công tác, 22 trường hợp về quan hệ cán bộ- chiến sĩ, 16 trường hợp về vấn đề tâm lý, 71 trường hợp về pháp luật, kỷ luật, 633 trường hợp về tình yêu, gia đình, xã hội. Đối tượng được tư vấn chủ yếu là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tuổi đời còn trẻ và hạ sĩ quan, binh sĩ.

Trong cuộc điều tra đối với 238 sĩ quan và 654 hạ sĩ quan, binh sĩ, chúng tôi đưa ra câu hỏi “Khi gặp khó khăn trong công tác, cuộc sống, đồng chí thường tìm đến đâu?” với 4 phương án trả lời: Bạn bè, người thân; TTV; tự giải quyết; cấp ủy, chỉ huy đơn vị. Chúng tôi nhận được câu trả lời tìm đến TTV của 130 sĩ quan (chiếm 54,62%) và 504 hạ sĩ quan, binh sĩ (chiếm 77,06%). Kết quả đó chứng tỏ hiệu quả hoạt động và tình cảm, niềm tin của cán bộ, chiến sĩ đối với TTV.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của TTV, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần tăng cường lãnh đạo, quan tâm bồi dưỡng, cung cấp thông tin, tài liệu, tạo điều kiện về mọi mặt để TTV phát huy vai trò, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, góp phần giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ.