Người chăn bò Suối Me

(NTO) Chúng tôi đến thăm trang trại Lê Văn Quang nằm ven Suối Me thuộc địa bàn thôn Bảo Vinh (xã Phước Vinh, Ninh Phước). Đàn bò lai sind được anh Quang chăm sóc chu đáo có vóc dáng chắc khỏe, sắc lông đỏ au. Sau 30 năm một nắng hai sương gắn bó với nghề chăn nuôi gia súc có sừng đã bảo đảm cuộc sống gia đình khá giả, nuôi con học hành chu đáo.

 
Anh Lê Văn Quang làm giàu từ nghề chăn nuôi bò đàn.

Được biết thời trai trẻ anh Quang đã từng tham gia bộ đội được biên chế về đại đội 21 độc lập thuộc Trung đoàn 576 (Sư đoàn 307) làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam. Năm 1986, anh hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương ở thôn Ninh Quý 3 (xã Phước Sơn) sớm hôm làm rẫy nuôi con. Vợ chồng làm ăn dành dụm vốn liếng khởi nghiệp chăn nuôi bò vào giữa năm 1988. Buổi đầu anh mua hai con bò cái nghé gởi cho người thân ở thôn Bảo Vinh chăn nuôi. Do lạ rừng nên một con đi lạc mất, còn lại một con được anh đưa về nhà tận tay nuôi dưỡng chăm sóc đã trở thành con bò “đầu đàn” tạo nên thương hiệu trang trại “Sáu Quang” ngày nay.

Ít ai ngờ từ một con bò cái duy nhất buổi đầu khởi nghiệp sinh sản theo “cấp số nhân” đến nay đưa đàn bò của gia đình anh Lê Văn Quang lên gần 100 con. Trong đó có khoảng 60 con bò nái mỗi năm sinh sản 35- 40 bê con. Anh Quang chăn nuôi theo phương châm “giữ cái, bán đực”. Khi con bê đực vừa tách mẹ khoảng 12 tháng tuổi, anh xuất bán cho các nông hộ mua nuôi vỗ béo với giá 10- 12 triệu đồng/con. Đàn bò laid sind của gia đình anh Quang có vóc dáng cao lớn, sắc lông đẹp được người chăn nuôi và thương lái trong vùng ưa chuộng. Nhờ nguồn lợi của đàn bò đem lại hàng năm giúp anh Quang sang nhượng 2 ha đất ven tỉnh lộ 708 trị giá gần 300 triệu đồng làm nơi xây dựng trang trại, xây nhà ở khang trang, giúp vốn cho con cháu làm ăn, mua sắm máy cày, nuôi con gái út học đại học …

Khi được hỏi về kinh nghiệm chăn nuôi bò, anh Quang cười hồn hậu, chia sẻ: Phải thực sự chịu khó và yêu thương gắn bó thiết thân với đàn gia súc. Tuy đàn bò của gia đình cả trăm con nhưng anh thuộc mặt và biết tính nết của từng con. Theo dõi con nào có dấu hiệu “lơ ăn” là kịp thời thuốc men và lo chế độ ăn giàu dinh dưỡng mau phục hồi thể trạng. Đặc biệt là phải tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm theo hướng dẫn của thú y. Anh tích trữ rơm, mua cỏ bảo đảm nguồn thức ăn cho đàn gia súc trong những tháng khô hạn. Thời gian tới, anh tập trung đầu tư trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn xanh cho đàn bò sinh sản.

Đồng chí Phạm Văn Lượm, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Sơn nhận xét: Anh Lê Văn Quang là điển hình nông dân chủ động vượt khó vươn lên sản xuất giỏi góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Nhờ nguồn lợi chăn nuôi bò giúp anh có thu nhập ổn định, bảo đảm kinh tế gia đình thuộc diện khá giả tiêu biểu ở thôn Ninh Quý 3.