Vì sự phát triển của khoa học và công nghệ

(NTO) Ngày 10 - 10 - 2016, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 05-NQ/TU về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và ngày 19-12-2016 HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 72/2016/NQ-HĐND về phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016-2020. Để sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, vấn đề quan trọng, cấp bách cần giải quyết, đó là tháo gỡ những vướng mắc ảnh hưởng sự phát triển của KH&CN tồn tại lâu nay.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ KH&CN năm 2017 tổ chức vào ngày 15 - 2 vừa qua, đồng chí Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở KH&CN nhìn nhận một số hạn chế khiến KH&CN chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hạn chế này thể hiện ở chỗ tiềm lực KH&CN yếu cả về nhân lực nghiên cứu và quản lý; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho lĩnh vực này còn ít về số lượng và chậm đổi mới là những cản trở lớn của sự phát triển.

Sản xuất tôm giống sạch ở Trại giống Hisenor (xã An Hải, Ninh Phước)

Tại hội nghị nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh “hiến kế” giúp hoạt động KH&CN tỉnh phát triển ở tầm cao mới. PGS,TS Phùng Chí Sỹ, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TP. Hồ Chí Minh), cho rằng: Sở dĩ những nhà khoa học đầu ngành ngại về các tỉnh lẻ làm việc là do môi trường công tác không đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu. Giải pháp để thu hút nhân lực cho hoạt động KH&CN là tỉnh cần đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu, bởi những nơi này tập trung nhiều nhà khoa học chuyên sâu ở tất cả các ngành, nghề. Trường Đại học Nguyễn Tất Thành sẵn sàng hỗ trợ chuyển giao KH&CN vào lĩnh vực đặc thù của tỉnh như công nghệ đập cao su dâng nước, công nghệ tưới tiết kiệm nước, công nghệ năng lượng mặt trời, chế biến nông sản.

Cũng theo PGS,TS Phùng Chí Sỹ, thông qua hoạt động hợp tác, nhà trường sẽ xin một số dự án bằng nguồn kinh phí Trung ương đầu tư cho Ninh Thuận theo hình thức đối ứng, từ đó tháo gỡ được bế tắc về tài chính hạn hẹp đầu tư cho KH&CN của tỉnh hiện nay. Cùng chung quan điểm, PGS,TS Nguyễn Văn Úc, Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Minh), cho biết: Hiện nay, trường có Quỹ phát triển KH&CN khoảng 20 tỷ đồng phục vụ hợp tác với các địa phương, Ninh Thuận có thể khai thác nguồn kinh phí này. Vấn đề còn lại là tỉnh phải đề xuất cho được nhiệm vụ nghiên cứu một cách cụ thể, vì hơn ai hết chỉ có địa phương mới biết cần gì, từ đó thực hiện cơ chế đặt hàng. Trường từng hoàn thành một số đề tài nghiên cứu theo hình thức khoán đến sản phẩm cuối cùng. Với đặc thù của Ninh Thuận, nên tập trung vào nghiên cứu phục vụ phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc thù như măng tây xanh, nho, tỏi, nha đam và thủy sản…

Đề cập đến lĩnh vực chuyển giao các nhiệm vụ khoa học, đồng chí Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trăn trở: Hiện có không ít đề tài nghiệm thu xong, chuyển giao cho các đơn vị, địa phương không ứng dụng được. Nguyên nhân các đề tài quá chú trọng vào phần lý thuyết, nội dung nghiên cứu không bám sát yêu cầu thực tiễn của từng nơi; trong khi đó, nguồn lực ở cấp cơ sở hạn chế không đủ khả năng tiếp nhận thành tựu nghiên cứu mới. Khắc phục tình trạng này, tỉnh cần quan tâm đầu tư phát triển KH&CN, ưu tiên triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, đảm bảo các đề tài sau khi nghiệm thu được nhân rộng vào sản xuất đạt hiệu quả cao.

Với tinh thần hội nghị “Diên hồng” về phát triển KH&CN, hội nghị thu hút được nhiều nhà khoa học nhất kể từ trước đến nay, cùng chung tâm huyết muốn được cống hiến, đóng góp sức lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, bày tỏ vui mừng vì hội nghị tập trung thảo luận, đưa ra các giải pháp để hoạt động KH&CN chuyển biến ở tầm cao mới; đồng thời, đánh giá cao ý kiến đóng góp của các nhà khoa học giúp tỉnh tháo gỡ những khó khăn cho KH&CN phát triển. Mong rằng, thời gian tới các tổ chức, chuyên gia hàng đầu các ngành uy tín trong nước hợp tác thực hiện các nhiệm vụ KH&CN trọng điểm của địa phương. Tỉnh cam kết thực hiện cơ chế, chính sách thông thoáng, đãi ngộ xứng đáng các nhà khoa học có tâm huyết cống hiến. Quan điểm của tỉnh là nghiên cứu KH&CN phải gắn với thực tiễn cuộc sống, không lệ thuộc nhiều vào thủ tục hành chính mà chú trọng vào kết quả. Tỉnh sẽ tăng cường đặt hàng nhiệm vụ khoa học, hướng trọng tâm vào các lĩnh vực thế mạnh như lai tạo giống cây trồng, vật nuôi, phát triển các sản phẩm đặc thù theo chuỗi giá trị.