Nhận diện “nghèo” đa chiều để tìm giải pháp căn cơ thoát nghèo

(NTO) Sau hơn 2 năm triển khai việc áp dụng cách đánh giá hộ nghèo, hộ cận nghèo (HN, HCN) theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chuẩn nghèo tiếp cận phương pháp đo lường đa chiều.

Với hình thức tiếp cận này, tạo điều kiện thuận lợi cho chính quyền, đoàn thể, địa phương các cấp nhận dạng đối tượng HN, HCN chính xác, cụ thể hơn; đánh giá được mức độ thay đổi khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân, đồng thời có giải pháp hỗ trợ các đề án, phương án, kế hoạch thực hiện có hiệu quả hơn các chương trình phát triển, các chế độ chính sách cho HN, HCN để tạo điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

Chương trình “Chung tay vì cộng đồng” trao tặng bò cho hộ nghèo ở huyện Bác Ái. Ảnh: Hoàng Trung

Năm 2016, theo Quyết định số 3190/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả rà soát HN, HCN theo chuẩn nghèo tiếp cận phương pháp đo lường đa chiều của UBND tỉnh, tổng số HN, HCN trên địa bàn tỉnh 36.902 hộ, chiếm 22,85% dân số toàn tỉnh (trong đó, 20.253 HN, chiếm 12,54% và 16.649 HCN, chiếm 10,31% dân số toàn tỉnh). So với dân số của từng huyện, thành phố thì tỷ lệ HN, HCN trong một đơn vị hành chính cao nhất là huyện Bác Ái (65,99%), thấp nhất là Tp. Phan Rang-Tháp Chàm (8,66%). Qua kết quả rà soát, năm 2016, tỷ lệ HN có xu hướng giảm mạnh vượt so với chỉ tiêu của tỉnh đề ra (giảm 2,39%), trong khi tỷ lệ HCN lại tăng đáng kể từ 8,82% lên 10,31%. Phần lớn hộ thoát nghèo chuyển qua cận nghèo, chỉ một số ít thoát hẳn lên hộ trung bình.

Qua rà soát, phân tích cho thấy, có sự chênh lệch lớn trong cơ cấu hộ dân của khu vực miền núi, trung du và khu vực đồng bằng ven biển. Ở các địa phương là vùng núi và trung du tỷ lệ HN, HCN chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số hộ dân, ngược lại ở các địa phương vùng đồng bằng thì tỷ lệ HN, HCN thấp hơn rất nhiều. Trong 20.253 HN, thì HN thuộc đồng bào dân tộc thiếu số chiếm 55% (11.139 HN), HN hộ nghèo dân tộc Kinh chiếm 45% (9.114 HN). Phân tích theo các chiều thiếu hụt, trong 20.253 HN, có 77,59% HN có mức thu nhập bình quân từ 700.000 đồng/tháng (nông thôn) và thu nhập bình quân từ 900.000 đồng/tháng (thành thị) trở xuống. Về nhu cầu xã hội, có 26,72% HN thiếu hụt về y tế; 49,12% HN thiếu hụt về giáo dục; 78,31% HN thiếu hụt về nhà ở; 64,54% HN thiếu hụt về nước sạch và vệ sinh và 39,75% HN thiếu hụt về tiếp cận thông tin. Phân tích về nhóm đối tượng, 55% HN là người dân tộc thiểu số; 15,9% là HN thuộc đối tượng chính sách bảo trợ xã hội và 1,99% HN là thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công.

Đồng chí Hà Anh Quang, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: Qua điều tra, rà soát xác định HN, HNC theo phương pháp tiếp cận đa chiều phản ánh, đo lường được thực trạng đời sống của người dân trong cuộc sống hàng ngày thông qua các tiêu chí cụ thể. Từ các chiều, các tiêu chí thiếu hụt của người dân đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội phù hợp và đề ra các giải pháp, nguồn lực, phân công cụ thể cho các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị-xã hội để thực hiện công tác giảm nghèo và ngày càng bền vững, bảo đảm việc kiểm soát, đánh giá đúng thực trạng HN ở địa phương. Việc xác định mức độ thiếu hụt thông qua tiếp cận đo lường nghèo đa chiều sẽ góp phần tăng tính hiệu quả của chính sách hỗ trợ, hạn chế tình trạng trông chờ, ỷ lại của đối tượng thụ hưởng.

Cụ thể, qua tổng điều tra HN năm 2016, ngay từ đầu năm 2017 triển khai công tác giảm nghèo đa chiều, các ngành và địa phương trong tỉnh cũng đã từng bước tập trung, chủ động đổi mới cách tiếp cận, các giải pháp hỗ trợ nhằm tiến tới thực hiện giảm nghèo bền vững. Trên cơ sở hoàn thành việc điều tra, rà soát HN, HCN theo tiêu chí nghèo đa chiều, phân tích nguyên nhân nghèo để phân loại đối tượng và có hướng hỗ trợ phù hợp, theo thứ tự ưu tiên. Đối với nhóm đối tượng thuộc diện không có sức lao động, Sở LĐ-TB&XH đang tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ trực tiếp, không đưa họ vào diện thực hiện mục tiêu giảm nghèo, mà chuyển sang nhóm đối tượng bảo trợ xã hội.

Đối với nhóm không nghèo về dịch vụ xã hội cơ bản mà nghèo về thu nhập sẽ tập trung chính sách tạo sinh kế; nhóm nghèo về dịch vụ xã hội cơ bản mà không nghèo về thu nhập thì sẽ có chính sách hỗ trợ tiếp cận. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục duy trì triển khai tốt các chính sách về hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, tăng thu nhập cho người nghèo; hỗ trợ về giáo dục-đào tạo, y tế, nhà ở cho HN… Tuy nhiên, chính sách và các dự án giảm nghèo sẽ được triển khai theo hướng giảm dần việc hỗ trợ trực tiếp tăng cho vay có điều kiện, có hoàn trả, có thời hạn để nâng cao ý thức, nỗ lực thoát nghèo của từng hộ. Bên cạnh đó, để đảm bảo tính bền vững của chương trình, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ từng bước cải thiện và nâng dần điều kiện sống, mức sống và chất lượng cuộc sống của các hộ mới thoát nghèo, HCN, tăng cường giải pháp chống tái nghèo.