Nông dân Ninh Sơn nâng cao thu nhập từ các mô hình nông nghiệp tiên tiến

(NTO) Ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất, tăng thu nhập cho người sản xuất là xu thế tất yếu. Vậy, Ninh Sơn đã khai thác xu thế này như thế nào?.

Có thể nói, những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến trên cơ sở nhận rõ thế mạnh để phát huy. Với lợi thế về đất đai, đặc biệt là phát triển các cây công nghiệp như mía, mỳ,... làm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trong tỉnh đã góp phần ổn định “đầu ra” cho sản phẩm, tạo thuận lợi cho sản xuất. Chỉ tính trong năm 2016, toàn huyện đạt tổng diện tích gieo trồng trên 23.546 ha, vượt 5,1% kế hoạch, tăng 4,49% so với cùng kỳ. Trong số này, ngoài lúa vẫn là cây trồng chủ lực với diện tích gieo trồng 9.493,8 ha, đạt 103,19% kế hoạch năm, tăng 2,31% so với cùng kỳ, thì cây mỳ trồng 2.432,8 ha, đạt 105,77% kế hoạch năm, tăng 4,32%; cây mía trồng 2.991,7 ha, đạt 110,8% kế hoạch năm, tăng 14,76% so với cùng kỳ. Ngoài ra, một số cây trồng có chiều hướng phát triển như bắp gieo trồng 4.467,1 ha, đạt 106,36% kế hoạch năm, tăng 3,96%; đậu các loại trồng 2.190,8 ha, tăng 0,18% so với cùng kỳ...

 
Nông dân xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) đầu tư phát triển diện tích trồng ớt, nâng cao thu nhập.Ảnh: V.M

Tuy nhiên, “điểm yếu” trong sản xuất là mặc dù diện tích tăng nhưng năng suất nhiều loại cây trồng vẫn “dậm chân tại chỗ” mà nguyên nhân chủ yếu là do nông dân chưa đầu tư đúng mức cho cây trồng, nhất là ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Đơn cử như với 2 cây công nghiệp chủ lực: cây mỳ năng suất bình quân (NSBQ) năm qua cũng chỉ đạt trên 20,3 tấn/ha, giảm 15,52%; hay cây mía, NSBQ chỉ đạt 51,5 tấn/ha, giảm 2,87% so với cùng kỳ, trong khi một số tỉnh NSBQ đã đạt gấp đôi... Để khắc phục, những năm gần đây, huyện Ninh Sơn đã kiên trì đưa hàng chục mô hình mới vào sản xuất “điểm” để làm cơ sở nhân rộng trong nông dân. Có thể nêu một số mô hình từng bước được nhân rộng như mô hình “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng” trên cây lúa, góp phần tăng năng suất, giảm chi phí đầu tư về giống, phân bón, thuốc trừ sâu... Theo đó, lợi nhuận tăng bình quân trên 6,7 triệu đồng/ha so với ruộng không áp dụng. Mô hình sản xuất táo an toàn (được triển khai tại các thôn Phú Thuận, Nha Húi, xã Mỹ Sơn) sử dụng bẫy bả sinh học để diệt ruồi kết hợp với phun thuốc hóa học khi mật độ ruồi cao, dẫn đến tỷ lệ quả táo bị hại thấp hơn 64,3% so với ruộng đối chứng. Qua đó giúp người sản xuất dần thay đổi tập quán canh tác cũ, biết áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất như bón phân cân đối và hợp lý; quản lý sâu bệnh hại tổng hợp và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả; giảm gây ô nhiễm môi trường, an toàn với người sản xuất và đặc biệt bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Về hạch toán hiệu quả kinh tế của mô hình: NSBQ ở ruộng mô hình cao hơn ruộng đối chứng là 1,06%. Thu nhập tăng 1,15%, tương đương với 35,2 triệu đồng/ha/vụ so với ruộng đối chứng. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp huyện còn đưa mô hình trồng cây mè (triển khai tại 2 xã Mỹ Sơn và Ma Nới), mô hình trồng cây ăn quả (triển khai trên địa bàn xã Lâm Sơn)... giúp nông dân một số địa phương sản xuất, tạo thêm thu nhập. Đặc biệt, riêng đối với cây mía, Công ty Cổ phần đường Biên Hòa - Phan Rang đã đầu tư cho nhiều nông hộ hệ thống tưới nước tiết kiệm như: Hệ thống tưới sử dụng năng lượng mặt trời, tưới nhỏ giọt, tưới súng phun mưa... Ngoài ra, Công ty còn đầu tư vật tư nông nghiệp như mía giống, phân bón, đào ao tích trữ nước tưới,... nhằm cải thiện các điều kiện sản xuất và canh tác của nông dân để làm sao giúp cho nông dân trồng mía đạt năng suất, hiệu quả, tạo nguồn nguyên liệu đáp ứng nhu cầu của Công ty trong mùa hạn hán, nắng nóng kéo dài. Không chỉ sản xuất, về chăn nuôi, nông dân còn được hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện mô hình thụ tinh nhân tạo đàn bò kết hợp nuôi bò vỗ béo, đến nay đã sinh sản được 100 con bê lai, đem lại kết quả đáng ghi nhận bước đầu...

Nông dân xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) trồng táo theo hướng VietGAP cho thu nhập cao. Ảnh: Sơn Ngọc

Anh Dương Đăng Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Việc đưa các mô hình tiên tiến vào sản xuất như đã nêu trên đã góp phần làm thay đổi nhận thức cho một bộ phận nông dân về sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi theo hướng chất lượng cao gắn với hiệu quả kinh tế. Một số mô hình sản xuất được các địa phương, người dân quan tâm, hưởng ứng nhân rộng như mô hình "1 phải, 5 giảm" trên cây lúa... Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những vướng mắc như một số địa phương được hưởng lợi từ mô hình triển khai thực hiện nguồn vốn còn chậm, công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia để triển khai nhân rộng các mô hình có hiệu quả chưa nhiều, đôi lúc chưa chặt chẽ; một số hộ dân được chọn làm mô hình chưa nghiêm túc, chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật đã hướng dẫn... đã làm giảm tính hiệu quả từ mô hình đem lại.

Năm 2017, huyện Ninh Sơn xác định tiếp tục nhân rộng các mô hình đã được “kiểm chứng” qua thực tế sản xuất, góp phần đưa nền nông nghiệp của huyện phát triển theo hướng công nghệ cao. Mục tiêu đã rõ, vấn đề còn lại là việc tổ chức thực hiện gắn với đổi mới nhận thức của nông hộ trên chính vùng đất sản xuất của mình.