CHUYỆN NHƯ ĐÙA:

Ka-ra-ô-kê

(NTO) Năm 1970, ka-ra-ô-kê lần đầu tiên xuất hiện tại thành phố cảng Kobe, Nhật Bản. Đó là một “phát minh” của Daisuke Inoue, nhạc công 31 tuổi của một ban nhạc phục vụ tại các nhà hàng, ông đã có sáng kiến tạo ra một nhạc cụ như là “người hát có hòa âm, nhạc đệm kèm theo mặc dù chả có ban nhạc nào phục vụ cả”.

Từ đó đến nay, từ các phố thị sầm uất đến các vùng quê hẻo lánh trên khắp thế giới, ka-ra-ô-kê được coi như là một “món” giải trí phổ biến, bình dân được nhiều thành phần, nhiều độ tuổi yêu thích, nhất là trong các dịp liên hoan, tổng kết, các cuộc vui tập thể, các buổi văn nghệ “cây nhà lá vườn”!

Tôi gốc quê, sinh sống và công tác ở phố thị. Cách đây mươi, mười lăm năm, mỗi cuối tuần về thăm quê, tôi và đám bạn cũ thời “trẻ trâu” hay lang thang ngoài vườn, rẫy, chơi chán, cuối buổi thường bày ra “chiếu rượu” dưới tán cây, hàn huyên tâm sự chuyện trên trời dưới biển. Đến khi rượu bắt đầu ngấm, tự nhiên nhu cầu về ca hát đến “đột xuất”. Thế thì mâm, chén, muỗng, đũa… lại trở thành “nhạc cụ” bất đắc dĩ, và lúc đầu thì một đứa hát, rồi sau thì cả “chiếu rượu” biến thành một sân khấu ca nhạc tập thể, với những bài hát “không đầu không đũa”, làm inh ỏi cả một góc vườn. Dân dã nhưng mà vui… hết biết!

Rồi những năm tháng sau này, khi mà món “hát không cần ban nhạc” của ông Inoue thịnh hành, dịch vụ ka-ra-ô-kê nở rộ trong thành phố với hệ thống âm thanh, ánh sáng, điều hòa nhiệt độ… hiện đại, càng mời gọi mọi người tham gia khi có… sự kiện. Đó cũng là những sinh hoạt lành mạnh và bình thường trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, ngoài những điểm ka-ra-ô-kê “cố định”, gần đây lại xuất hiện loại hình ka-ra-ô-kê “di động” của các chú choai choai ca hát kèm theo bán kẹo bánh tại những nơi đông người. Và cuối cùng là loại hình ka-ra-ô-kê “lưu động” phục vụ chiếu rượu, cuộc vui tại chỗ của thượng đế mọi lúc mọi nơi, với giá cho thuê máy mỗi giờ 30.000-40.000 đồng, vô cùng tiện lợi!

Để các điểm kinh doanh ka-ra-ô-kê hoạt động luôn trong sáng, lành mạnh, các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, rà soát các quy định của loại hình đặc doanh này như loại bỏ những hành vi lợi dụng, biến tướng; tiêu chuẩn cách âm, độ ánh sáng “Lux”, cường độ âm thanh “Decibel”… trong phòng. Đối với các loại hình ka-ra-ô-kê “di động” và “lưu động”, đây là loại hình mới, tự phát, hoạt động của nó làm ảnh hưởng đến vẻ mỹ quan đô thị, tình hình giờ giấc sinh hoạt, an ninh trật tự nơi công cộng và khu dân cư… cho nên cũng cần phải có những giải pháp quản lý, chế tài phù hợp để ka-ra-ô-kê hoạt động đúng thực chất của nó. Chúng ta cần có cái nhìn đúng đắn, không nên suy diễn, hãy xem ka-ra-ô-kê luôn là một loại hình sinh hoạt công cộng hết sức bình thường, lành mạnh và không để pha trộn uế tạp và biến tướng!