Tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên gia cầm

(NTO) Tình hình dịch cúm gia cầm xuất hiện ở một số tỉnh hiện nay đang đặt ra cho ngành chức năng, các địa phương, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phải tăng cường công tác phòng bệnh.

Đồng chí Trương Khắc Trí, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cho biết: Tổng đàn gia cầm trên toàn tỉnh khoảng 1,3 triệu con; trong đó 600 ngàn con gà, 700 ngàn con vịt. Sau khi nhận thông tin dịch cúm gia cầm xuất hiện ở tỉnh Quảng Ngãi, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đơn vị đã phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh để có biện pháp ngăn ngừa. Qua kiểm tra ở những vùng trọng điểm chăn nuôi chưa phát hiện dịch bệnh, nhìn chung các địa phương làm tốt công tác kiểm soát dịch bệnh, nhất là kiểm soát số vịt chạy đồng.

Tuy nhiên, tình hình thời tiết sau Tết Đinh Dậu 2017 diễn biến bất thường, nhiệt độ giữa ban ngày và đêm chênh lệch lớn ảnh hưởng đến sức đề kháng của gia cầm. Trong khi đó, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở một số tỉnh, nếu không kiểm soát tốt việc vận chuyển, giết thịt, chuyển đồng lạc túc thì có nguy cơ xảy ra dịch bệnh. Do vậy, Chi cục đã chỉ đạo các Trạm kiểm dịch động vật thắt chặt công tác kiểm tra, vận chuyển gia cầm từ các tỉnh khác đi qua địa bàn.

Điều lo nhất hiện nay là công tác tiêm vắc-xin phòng dịch bệnh cho gia cầm đang gặp khó khăn do ý thức của hộ nuôi chưa cao. Ngoài các hộ nuôi tập trung, quy mô đàn lớn như ở huyện Ninh Phước, Ninh Hải chấp hành tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tổng hợp, thì những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn rất chủ quan. Để ngăn ngừa dịch bệnh, giải pháp ngành chức năng đề ra là tăng cường tuyên truyền người dân bảo vệ đàn gia cầm của mình, thực hiện khai báo với cơ quan chức năng khi phát hiện mầm bệnh để tổ chức khoanh vùng dập dịch, không cho lan ra trên diện rộng. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các địa phương cũng đã chấn chỉnh hình thức hoạt động, tổ chức giám sát dịch bệnh đến từng hộ, thôn, xã, xác định vùng có nguy cơ cao, nơi mang mầm bệnh để tập trung lực lượng giúp hộ nuôi thực hiện các biện pháp kỹ thuật tiêu độc, khử trùng chuồng trại.

Có thể nói, công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia cầm sau Tết được triển khai quyết liệt. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đang xây dựng kế hoạch tiêm phòng vắc-xin phòng, chống dịch bệnh đợt I, năm 2017, triển khai trong tháng 3 và tháng 4 tới. Dự kiến trong đợt này sẽ tiêm khoảng 15.000 liều vắc-xin cúm; 150.000 liều vắc-xin dịch tả trên đàn vịt; 24.000 liều vắc-vin tụ huyết trùng gia cầm. Theo báo cáo của một số địa phương, sau một thời gian ngắn hoạt động chăn nuôi bị ảnh hưởng do hạn hán, đến nay nhiều hộ tái đàn, nhất là đàn vịt để tận dụng thức ăn ở các cánh đồng lúa đông-xuân sau thu hoạch. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nên hộ chăn nuôi chủ động đăng ký với ngành chức năng tiêm phòng cho đàn gia cầm; thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại thường xuyên. Nhiều nông dân đang áp dụng hình thức chăn nuôi an toàn sinh học cũng góp phần khống chế dịch bệnh phát sinh trên đàn gia cầm trong giai đoạn thời tiết chuyển mùa hiện nay.