Xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận tôm giống

(NTO) Hoạt động sản xuất tôm giống gần đây có bước phát triển vượt bậc, sản lượng tăng dần theo thời gian. Với 290 trại tôm sú và tôm thẻ chân trắng, mỗi năm cung cấp cho các hộ nuôi tôm trên cả nước khoảng 2,4 tỷ con giống, đã đưa tỉnh ta trở thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước.

Phát huy lợi thế vùng biển nắng ấm quanh năm, tỉnh ta chú trọng phát triển nghề nuôi tôm giống, trở thành lĩnh vực có lợi thế được cả nước biết đến. Một trong những động thái tích cực thúc đẩy sản xuất tôm giống phát triển bền vững đó là tỉnh đã quy hoạch các khu nuôi quy củ. Khu sản xuất và kiểm định giống thủy sản tập trung An Hải (Ninh Phước) triển khai xây dựng năm 2005, quy mô 125 ha và Khu sản xuất ở xã Nhơn Hải (Ninh Hải), diện tích 148 ha được nhiều tổ chức trong và ngoài nước đánh giá cao về chất lượng giống an toàn. Nhờ xây dựng được “chiến lược” phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, nên đã thu hút hàng trăm doanh nghiệp đến đầu tư làm ăn lâu dài tại tỉnh ta.

Sản xuất tôm giống sạch ở Trại giống Hisenor (xã An Hải, Ninh Phước)

Theo đánh giá của ngành chức năng, quy trình sản xuất tôm giống hầu hết tại các trại bằng công nghệ vi sinh hiện đại, hạn chế vi khuẩn gây hại, ổn định chất lượng nguồn nước, sức đề kháng cho tôm. Tiểu biểu về sản xuất tôm giống chất lượng cao phải kể đến Công ty TNHH Giống thủy sản Globest Việt Nam, Uni- President Việt Nam, Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam... từ lâu đã là người bạn “đồng hành” cùng với các hộ nuôi tôm trên toàn quốc. Điểm mạnh của những công ty này là chú trọng áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến để tạo ra con giống sạch bệnh. Bước “đột phá” trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tôm giống của các doanh nghiệp đã tạo niềm tin để các hộ nuôi tôm trên cả nước tìm đến mua giống. Tuy nhiên, việc nhận biết đâu là tôm giống sạch sản xuất tại tỉnh ta rất khó khăn, bởi thị trường tôm giống gần đây có nhiều xáo trộn. Không ít trại giống ở một số nơi nhập tôm giống bố mẹ chất lượng thấp từ nước ngoài về sản xuất giống trà trộn vào thị trường bán giá rẻ dẫn đến dịch bệnh tràn lan. Kiểu làm ăn tắc trách này gây khó khăn cho các công ty, trại giống làm ăn chân chính, tạo ra môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh.

Xuất phát từ thực tế đó, việc xúc tiến thực hiện Dự án “Xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận tôm giống Ninh Thuận” hết sức quan trọng, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm đặc thù của tỉnh. Theo đó, thời gian thực hiện dự án là 15 tháng (từ tháng 9 - 2016 đến tháng 11- 2017), gồm các nội dung chính: Xác lập quyền nhãn hiệu chứng nhận cho tôm giống Ninh Thuận; xây dựng các hệ thống văn bản quản lý, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; triển khai thực hiện thí điểm khai thác giá trị nhãn hiệu chứng nhận. Hiện tại, Chi cục Thủy sản tỉnh, cơ quan chủ trì thực hiện dự án đang tiến hành điều tra, thu thập thông tin liên quan về vùng địa danh và uy tín, chất lượng của sản phẩm, đánh giá sơ bộ giá trị kinh tế sản phẩm tôm giống. Trên cở sở đó, xác định vùng sản xuất an toàn phục vụ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận.

Đồng chí Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, cho biết: Kết quả khảo sát bước đầu cho thấy, yếu tố góp phần nâng chất lượng tôm giống sản xuất ở tỉnh ta cao đó là nhờ môi trường mặt nước biển phục vụ nuôi tôm giống trong sạch, độ ấm ổn định quanh năm mà nhiều nơi khác không có được. Đây là cơ sở để Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp Nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm tôm giống. Dự án đang triển khai đúng tiến độ, khi được nghiệm thu vào cuối năm nay sẽ có tác động lớn cho ngành nuôi trồng thủy sản, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm tôm giống trên thị trường. Kết quả của dự án cũng có tác dụng khuyến khích các cơ sở, trại tôm giống đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đưa ngành sản xuất tôm giống phát triển lên tầm cao mới.