Khai thác “tiềm năng” di tích văn hóa để phát triển du lịch

(NTO) Trong những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều chủ trương, quyết sách nhằm phát huy lợi thế vị trí địa lý, các giá trị văn hóa-lịch sử của địa phương để phát triển ngành “công nghiệp không khói”. Các di tích văn hóa (DTVH) không chỉ được quan tâm đầu tư, bảo tồn, mà còn là cơ hội phát huy, khai thác giá trị DTVH trong phát triển du lịch (DL), thu hút du khách đến với Ninh Thuận.

Toàn tỉnh hiện có 48 DTVH được công nhận, trong đó có 14 DTVH được công nhận cấp quốc gia và 34 DTVH được công nhận cấp tỉnh. Đặc biệt, mới đây, tỉnh ta đón nhận tin vui: Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2499/QĐ-TTg xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Di tích kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Tháp Hòa Lai (Thuận Bắc) và Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Pô Klông Garai (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm). Từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương, hàng chục DTVH đã và đang được tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp, trong đó di tích quốc gia đặc biệt và di tích quốc gia được ưu tiên đầu tư. Kết cấu hạ tầng du lịch (DL) tại các khu DL trọng điểm có DTVH đã từng bước được đầu tư hoàn chỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút các dự án kinh doanh DL và tạo thuận lợi cho khách du lịch tiếp cận tham quan. Điển hình như cụm Tháp Pô Klông Giarai, năm 2016 đón 64.236 lượt khách, thu gần 1,2 tỷ đồng, góp phần tăng trưởng bình quân ngành DL 16%/năm, đưa DL Ninh Thuận trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách.

Du khách đến tham quan tháp Pô Klong Garai. Ảnh: Sơn Ngọc

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc khai thác tiềm năng, lợi thế các DTVH để phát triển DL trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế, lượng khách DL đến tham quan các DTVH chưa tương xứng với tiềm năng hiện có; việc kêu gọi thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng DL, công tác quản lý, bảo vệ các DTVH tại các địa phương trong tỉnh còn nhiều bất cập… Ông Trương Trọng Nghĩa, thành viên Hội đồng Quản trị Khu DL Amanơi, cho biết: “Đa số du khách đến nghỉ dưỡng tại Amanơi đều rất thích đến tham quan, khám phá DTVH trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, điều đáng nói hiện nay tại các khu di tích này thiếu hướng dẫn viên chuyên nghiệp, thông thạo ngoại ngữ nên ảnh hưởng đến việc thu hút du khách. Ngoài ra, vấn đề quảng bá di sản văn hóa vẫn còn hạn chế. Do đó, tỉnh cần đẩy mạnh quảng bá để thu hút du khách thì mới làm tăng thêm giá trị, ý nghĩa của các DTVH. Đồng thời, khai thác các điểm DTVH thành những tour, tuyến phục vụ khách DL cũng là cách để kéo dài thời gian lưu trú và nâng cao mức chi tiêu của du khách khi đến Ninh Thuận.

Đồng chí Châu Thanh Hải, Giám đốc Sở VH,TT&DL, cho biết: Nghị quyết số 07/NQ-TU ngày 10-4-2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Quy hoạch tổng thể phát triển DL Ninh Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030”, xác định: Phát triển DL bền vững trên cơ sở bảo vệ môi trường sinh thái, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, gắn khai thác với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp, ngành, chính quyền địa phương cũng như ngành VH,TT&DL có kế hoạch bảo tồn, tôn tạo, khai thác thế mạnh, tiềm năng của DTVH cho phát triển DL.

Theo đó, trong năm 2017 và những năm tiếp theo, ngành tiếp tục tăng cường công tác điều tra, khảo sát, lập hồ sơ khoa học các DTVH trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận xếp hạng di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh. Khi các DTVH được xếp hạng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên, cảnh quan môi trường, quỹ đất, thu hút đầu tư, bảo đảm phát triển DL bền vững trong quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và từng địa phương. Xây dựng phát triển sản phẩm DL văn hóa lịch sử, văn hóa tâm linh và khai thác, phát huy giá trị DTVH, giá trị văn hóa phi vật thể phục vụ DL… Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến và khai thác thị trường khách DL. Có thể thông qua các tuần văn hóa tại nước ngoài, các sự kiện văn hóa, DL quốc tế, qua các phương tiện thông tin đại chúng, các ấn phẩm DL... nhằm thu hút các dự án bảo tồn, đầu tư cho DTVH, cũng như thu hút khách du lịch. Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực DL, trong đó quan tâm xây dựng đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên tại các khu, điểm DL có DTVH đáp ứng yêu cầu phát triển cả về số lượng và chất lượng lao động, phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển hiện nay. Đồng chí Châu Thanh Hải cho biết thêm: Xu hướng của khách DL hiện nay đang hướng đến có mục đích tìm hiểu các nền văn hóa khác lạ, cho nên sản phẩm quan trọng của DL là DL văn hóa. Với sự thay đổi đó, Ninh Thuận đã, đang và tiếp tục khai thác nguồn “tài nguyên” di sản văn hóa phục vụ phát triển DL một cách bền vững.