Đi tìm dấu vết đường tàu răng cưa

(NTO) Đi suốt quãng đường rừng hơn 8 cây số trong vòng 7 tiếng đồng hồ, chúng tôi quyết tâm trải nghiệm, “tận mục sở thị” vết tích còn sót lại của đường tàu răng cưa Phan Rang – Đà Lạt năm xưa, một trong hai tuyến đường sắt răng cưa độc đáo nhất của thế giới lúc bấy giờ.

Năm 1922, tuyến đường sắt nối Sông Pha (Krong Pha) với Trạm Hành – Đà Lạt được tiến hành xây dựng. Để vượt những dãy núi cao hiểm trở, tàu không thể chạy trên những đường ray bình thường mà phải được thiết kế theo kiểu đường ray răng cưa của Thụy Sĩ. Tuyến đường sắt Krong Pha-Đà Lạt có 3 đoạn đường ray răng cưa với tổng chiều dài 16km, có 5 hầm chui xuyên núi, có hầm dài 600m. Trong đó, đoạn thi công nối Krong Pha và đèo Eo Gió (Bellevue) là khó khăn nhất cũng được hoàn thành vào năm 1928 và đến năm 1932, đoạn D’Ran cũng được hoàn thành, tuyến đường sắt Phan Rang – Đà Lạt chính thức đi vào hoạt động.

Bắt đầu từ Eo Gió, chúng tôi may mắn được chú Hà Văn Hồng (60 tuổi, thị trấn D’Ran, Đơn Dương, Lâm Đồng)  dẫn đường, chỉ dẫn từng ngóc ngách, những vết tích hiếm hoi còn sót lại trên tuyến đường này. Từ độ cao 991m của Eo Gió, chúng tôi lần theo dấu vết tuyến đường tàu còn sót lại để đến điểm ga Cà Bơ (K’Beu). Vết tích rõ nhất nhìn thấy đầu tiên trên lộ trình là hầm số 2 (đoạn Eo Gió - Sông Pha) với chiều dài 70m, được xây dựng kiên cố, còn gần như nguyên vẹn, bên trong là những ô tránh tàu và rảnh thoát nước hai bên đường ray. Dọc đường đi, chúng tôi nhìn thấy những mấu cầu bằng đá chắc chắn còn sót lại nằm giữa lưng chừng núi. Lúc này, chúng tôi hình dung ra cảnh tượng đang ngồi trên chiếc tàu năm xưa, băng qua những cây cầu bắc ngang núi, phóng tầm mắt nhìn xuống độ cao ngàn mét để chiêm ngưỡng những cảnh sắc tuyệt vời của thiên nhiên. Chú Hồng tiếp tục dẫn chúng tôi đến khu nhà ở của công nhân đường sắt năm xưa, giờ chỉ còn sót lại vài mảnh tường đã mục nát và đổ vỡ. Sau hơn 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi dừng chân tại ga Cà Bơ, ga nhỏ nằm giữa Eo Gió và Sông Pha. Xung quanh còn những ống thoát nước và bể chứa nước, lọc nước, tiếp nước cho tàu khi vào ga. Tiếp tục men theo đường rừng, vượt qua vài con suối nhỏ và những nương rẫy của người dân địa phương, chúng tôi đến được hầm số 1, dài 163m. Nơi đây còn giữ nguyên vẹn vết đào xuyên núi chưa được bê tông hóa, nằm cạnh bên thác Sakai hùng vĩ. Những nhà ga cũ, những đường hầm xuyên núi, những dấu vết của đường ray răng cưa còn sót lại như một minh chứng về sự tồn tại của một tuyến đường sắt huyền thoại năm xưa. Hi vọng trong tương lai, tuyến đường sắt Phan Rang – Đà Lạt sẽ được khôi phục, tạo điểm nhấn, kết nối du lịch giữa 2 tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng.

Sơ đồ tuyến đường sắt Sông Pha - Đà Lạt.

Mô hình ray răng cưa.

Đường sắt răng cưa đoạn đèo Ngoạn Mục nhìn xuống, cách ga Sông Pha khoảng 4 km. Ảnh tư liệu

Tàu chạy trên cầu bắc qua đèo Ngoạn mục. Ảnh tư liệu

Những ray răng cưa giờ không còn, dọc đường là những nương rẫy của các gia đình trong vùng.

 

Thi công đường hầm số 2 (đoạn Sông Pha - Eo Gió). Ảnh tư liệu

Hầm số 2 (đoạn Eo Gió - Sông Pha) ngày nay còn nguyên những khối bê tông chắc chắn.

Bên trong đường hầm vẫn còn những ô được thiết kế để tránh tàu.

Dấu vết còn sót lại của nhà ở công nhân đường sắt năm xưa.

Chú Hà Văn Hồng, công nhân đường sắt răng cưa năm xưa
kể cho chúng tôi nghe về cách tiếp nước, lọc nước và thoát nước của tàu
bên cạnh những dấu tích còn lại.

Đoạn vòng gấp tại ga Cà Bơ (K'Beu) nằm giữa ga Eo Gió và Sông Pha. Ảnh tư liệu

Dấu tích Ga Cà Bơ (K'Beu) ngày nay.

Những mấu trụ cầu bắc qua vách núi còn sót lại trên suốt đường đi.

Đào đường hầm số 1 (đoạn Sông Pha - Eo Gió). Ảnh tư liệu

Hầm số 1 xuyên núi vẫn còn nguyên những vết đào, chưa được bê tông hóa.

Dọc 2 bên đường ray bên trong đường hầm là những rảnh thoát nước.

Đoàn khách du lịch chụp lưu niệm với người dẫn đường trước khi rời hầm số 1 để đến Ga Sông Pha.